UBND HUYỆN TÂN CHÂU

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

.................................

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

KỲ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2019 - 2020

Môn: NGỮ VĂN 9

Thời gian: 90 phút

(Không kể thời gian giao phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Thí sinh không phải chép đề vào giấy thi)

 

I - VĂN - TIẾNG VIỆT (4 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

            Tóm tắt ngắn gọn đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Câu 2: (2.0 điểm)

            a. Kể tên những phương châm hội thoại đã học?

            b. Giải thích nghĩa của 2 thành ngữ sau và cho biết chúng liên quan đến phương châm hội thoại nào: nói như dùi đục chấm mắm cáy; đánh trống lảng.

II - LÀM VĂN (6.0 điểm)

            Hãy kể lại một chuyến tham quan hoặc đi chơi xa của bản thân.

 

.............................Hết................................

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM

Phần

Nội dung

I. VĂN – TIẾNG VIỆT

Câu 1:

Phương pháp: căn cứ vào nội dung tìm hiểu chung của tác phẩm

Cách giải:

Lặng lẽ Sa Pa kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật: ông họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng trong vòng nửa giờ trên đỉnh núi Yên Sơn khi xe dừng lại. Ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên trên núi. Anh bộc bạch với họ về công việc, về cuộc sống, về những suy nghĩ của mình. Ông họa sĩ đã kịp ghi lại ký họa chân dung anh. Anh muốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn để vẽ. Họ chia tay nhau trong niềm xúc động.

Câu 2:

Phương pháp: căn cứ kiến thức Các phương châm hội thoại

Cách giải:

a.

– Có 5 phương châm hội thoại chính:

+ Phương châm về lượng.

+ Phương châm về chất.

+ Phương châm quan hệ.

+ Phương châm cách thức.

+ Phương châm lịch sự.

b.

- Thành ngữ nói như dùi đục chấm mắm cáy:

Giải thích:

+ Dùi đục là vật dụng bằng gỗ hay sắt để khoan hay đục các vật chất cứng hàng ngày.

+ Mắm cáy: là món ăn quen thuộc của các cụ ta xưa kia.

+ Với cách hiểu như trên ta thấy: Dùi đục, mắm Cáy đều là những vật dụng hay các món ăn rất đỗi quen thuộc, thô mộc, gần gũi với đời sống của nhân dân ta trước đây. Từ tính giản dị, thô mộc của 2 món ăn trên, phép so sánh "Nói như dùi đục chấm mắm cáy" chỉ cách nói trắng trợn, nói trực tiếp không giữ kẽ và thậm chí thiếu đi rất nhiều ý thanh nhã cần có trong lời nói.

=> Liên quan đến phương châm lịch sự.

- Thành ngữ đánh trống lảng:

Giải thích: nghĩa là lảng đi, nói sang chuyện khác để tránh khỏi phải nói đến việc không muốn nói hoặc khó nói.

=> Liên quan đến phương châm quan hệ.

II. LÀM VĂN

*Phương pháp: Sử dụng các phương thức biểu đạt miêu tả, biểu cảm để tạo lập văn bản tự sự.

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu văn bản tự sự.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức: Triển khai vấn đề theo nội dung kể lại một chuyến tham quan hoặc đi chơi xa của bản thân.

a. Mở bài

- Lí do của chuyến đi chơi xa và nơi sẽ đến.

- Chuẩn bị cho chuyến đi và lên đường.

b. Thân bài

- Thời gian, địa điểm diễn ra chuyến đi.

- Cảnh dọc đường đi.

+ Phong cảnh, những nét đặc biệt.

+ Tâm trạng của em và thái độ mọi người trên xe.

- Đến nơi.

+ Kể lần lượt các hoạt động diễn ra.

+ Kể những hoạt động nổi bật, thú vị tiếp theo (chú ý: chọn kể nhiều dạng hoạt động khác nhau cho phong phú; nên sắp xếp thứ tự kể theo thời gian. Mỗi hoạt động kể trong một đoạn văn có kết hợp kể với miêu tả cảnh vật, hoạt động,…).

- Kết thúc chuyến đi

+ Chuẩn bị trở về.

+ Cảnh vật, tâm trạng, hoạt động trên đường về.

c. Kết bài:

- Suy nghĩ về chuyến đi.

- Mong ước.

 

soanvan.me