I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Phan Châu Trinh trong SGK Ngữ văn 8 Tập 1).

2. Tác phẩm.

* Xuất xứ: Năm 1908, Phan Châu Trinh bị khéo tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung Kì nên bị bắt đày ra Côn Đảo. Đến tháng 6 năm 1910, nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền (Pháp), ông mới được tha. Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn được ra đời trong lúc ông cùng những tù nhân khác bị bắt lao động khổ sai.

* Thể thơ: Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cổ điển.

* Bố cục:

  • Hai câu đề: Tư thế ngạo nghễ của người tù khi ở đảo Côn Lôn.
  • Hai câu thực: Sức mạnh phi thường của người chí sĩ yêu nước.
  • Hai câu luận: Chí khí vững bền qua gian khó.
  • Hai câu kết: Tinh thần lạc quan, dũng khí hiên ngang, sắt đá.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Công việc đập đá của người tù ở Côn Lôn là một công việc rất khó khăn, nặng nhọc:

  • Về không gian: Côn Đảo - một nơi khắc nghiệt, được gọi là địa ngục trần gian.
  • Điều kiện làm việc: người tù khổ sai bị bóc lột, bị đàn áp.
  • Tính chất công việc: công việc đập đá, bóc lột sức khỏe và tinh thần của người tù.
  • Tư thế của người tù: đứng giữa đất Côn Lôn với tư thế hiên ngang, ngạo nghễ, lẫm liệt, đây là tư thế của đấng anh hào.

Câu 2:

* Bốn câu thơ đầu có hai lớp nghĩa. Hai lớp nghĩa đó là nghĩa thực và nghĩa tượng trưng.

  • Nghĩa thực: Công việc đập đá vô cùng cực khổ, gian khó, đây là cách mà thực dân Pháp hành hạ người tù cách mạng.
  • Nghĩa tượng trưng: Người chí sĩ đang biến cái càn khôn của vũ trụ, phá tan chướng ngại vật để tiếp bước chặng đường cách mạng.

* Giá trị nghệ thuật của 4 câu thơ đầu: giọng điệu khoa trương, pha chút tự hào, nhịp thơ nhanh.

* Khẩu khí của tác giả:

  • Sử dụng liên tiếp các động từ, tính từ mạnh nhằm khẳng định lòng kiêu hãnh của người có chí lớn, muốn hành động để giúp nước, cứu đời.
  • Giọng thơ đanh thép, hùng hồn, thể hiện tư chất hiên ngang, lẫm liệt không chịu khuất phục.

Câu 3:

Bốn câu thơ cuối bộc lộ trực tiếp những cảm xúc và suy nghĩ của tác giả.

* Ý nghĩa của 4 câu thơ này: thể hiện ý chí, vẻ đẹp tinh thần của người chiến sĩ cách mạng; dũng khí hiên ngang, tinh thần tự tin, lạc quan, không chịu khuất phục.

* Cách thức biểu hiện cảm xúc của tác giả:

  • Phép đối: tháng ngày bao quản >< mưa nắng càng bền; thân sành sỏi >< dạ sắt son.
  • Giọng thơ chắc nịch, mạnh mẽ, tỏ rõ khí phách của người chiến sĩ.