Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đọc lại văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 137 – 139) và trả lời các câu hỏi:


Câu 1

Nhan đề văn bản đã tạo nên sự hấp dẫn như thế nào với người đọc?


Phương pháp giải:

Đọc kĩ nhan đề văn bản và nêu nhận xét về sự hấp dẫn.


Lời giải chi tiết:

Nhan đề văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân gợi lên sự chờ đợi xem tác giả sẽ trình bày như thế nào về sự phản chiếu của đời sống hiện đại trên nền nghệ thuật múa rối nước cổ truyền đang được làm hồi sinh.


Câu 2

Nội dung hai câu đầu của phần sa-pô tập trung nhấn mạnh điều gì? Tại sao người viết lại quan tâm đến điều đó?


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 137 – 139).

- Chú ý hai câu đầu phần sa - pô.


Lời giải chi tiết:

Nội dung hai câu đầu của phần sa-pô tập trung nhấn mạnh cái lạ, cái độc đáo của nghệ thuật rối nước: khác biệt với nhiều nghệ thuật sân khấu. Khác ở “sàn diễn”, “diễn viên” ở sự hoán chuyển vị trí, chức năng giữa con người với đạo cụ. Đây là một sự nhấn mạnh đầy dụng ý, kích thích trí tò mò của người đọc, nhất là người đọc nước ngoài đến Việt Nam và đang muốn tìm hiểu bản sắc văn hoá của dân tộc ta.


Câu 3

Từ những thông tin được trình bày trong văn bản, hãy lập một bảng tra cứu về nghệ thuật múa rối nước với sự chú thích ngắn gọn về các từ, cụm từ như: nhà rối (thuỷ đình), buồng trỏ, con rối, sào, dây, âm nhạc,... (Lưu ý: có thể tìm đọc thêm các tài liệu liên quan để có được bảng tra cứu đầy đủ theo cách nhìn nhận của mỗi cá nhân).


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 137 – 139).

- Tìm các tài liệu liên quan và lập bảng tra cứu.


Lời giải chi tiết:

Tuy văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân mới chỉ bước đầu giới thiệu về nghệ thuật rối nước Việt Nam nhưng cũng đã đưa đến được cho độc giả những thông tin rất cơ bản về di sản nghệ thuật.

+ Nhà rối hay Thuỷ đình là cách gọi của sân khấu múa rối nước. Người ta dùng mặt nước làm sân khấu, được dựng lên giữa ao hồ với kiến trúc mái đình vùng nông thôn Việt Nam, phía sau có mành tre, xung quanh trang trí cờ phớn, võng lọng,…

+ Buồng trỏ là hệ thống sào kết hợp với dây để điều khiển con rối theo ý muốn.

+ Con rối được đẽo gọt từ gỗ sung, được tạo hình ngộ nghĩnh với màu sắc rực rỡ, vui tươi, dân dã.

+ Âm nhạc trong múa rối có sự kết hợp giữa tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống mõ, tiếng kèn sáo và cả tiếng pháo phụ trợ.


Câu 4

Theo bạn, ý tưởng “hiện đại soi bóng tiền nhân” đã được tác giả triển khai qua những thông tin cụ thể nào? Hãy nêu nhận xét về cách triển khai đó.


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 137 – 139).

- Nêu nhận xét của bản thân về cách triển khai thông tin của tác giả.


Lời giải chi tiết:

 Ý tưởng “hiện đại soi bóng tiền nhân” đã được tác giả triển khai qua các thông tin cụ thể sau:

- “Thời nay, thuỷ đình được dựng ngay trong các nhà hát và trong các khu du lịch sinh thái,.. với sân khấu là hồ nhân tạo. Khán giả làng đứng ngồi xúm xít quanh ao xem rối. [...] giữa hây hây gió trời còn khán giả phố lại xem rối giữa mát mẻ điều hoà.”

- “Bên cạnh những sinh hoạt biểu diễn hội hè đã thành thông lệ ở nhiều làng xã, trên khắp cả nước có rất nhiều địa điểm tổ chức biểu diễn múa rối nước hấp dẫn khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi và người nước ngoài.”

Trong các thông tin nêu trên, người đọc đều nhận ra sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các nỗ lực làm sống lại những giá trị tinh thần từng nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt. Tác giả dường như cho thấy một vấn đề: nghệ thuật cổ truyền như rối nước muốn có chỗ đứng trong đời sống hôm nay thì bắt buộc phải thích ứng với các điều kiện mới. Tất nhiên, thích ứng thế nào để cho bản sắc không bị phai nhạt lại là câu hỏi còn để ngỏ.


Câu 5

Bạn hiểu như thế nào về sự trăn trở của những người yêu nghệ thuật múa rối nước được đề cập ở cuối văn bản? Bạn có thể góp thêm ý kiến gì về vấn đề này?


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Múa rối nước – hiện đại soi bóng tiền nhân trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 137 – 139).

- Nêu cách hiểu của bản thân và góp thêm ý kiến.


Lời giải chi tiết:

Sự trăn trở của những người yêu nghệ thuật rối nước được đề cập ở cuối văn bản xoay quanh các từ “duy trì”, “bảo tồn” và “phát triển”. Duy trì và bảo tồn quả không dễ vì lớp người thực sự yêu và hiểu hồn của rối nước còn không nhiều, trong khi con người thời nay bị cuốn theo rất nhiều hình thức giải trí mới, hấp dẫn và phù hợp hơn.

Hơn nữa, bảo tồn nghệ thuật múa rối nước luôn gắn liền với việc tổ chức biểu diễn chứ không đơn thuần là việc tàng trữ một cái gì mang tính vật thể. Muốn biểu diễn thành công phải cần rất nhiều điều kiện, trong đó có việc phục dựng lại bối cảnh phù hợp, giống bối cảnh của đồng quê xưa. Giữ nguyên vẹn những gì đã có thì sớm muộn múa rối nước cũng sẽ trở nên xa lạ với hậu duệ của những bậc tiền nhân đã sáng tạo ra múa rối nước. Nhưng phát triển thể nào để phần tinh hoa của múa rối nước không bị biến dạng, đó là cả một vấn đề lớn chưa thể có câu trả lời dứt khoát.