I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (mời các em tham khảo SGK Ngữ văn 7 Tập 1)

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được sáng tác trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay).

* Thể thơ: Văn bản Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đây được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho thể thơ này, từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Về thể thơ, bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra giống với bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt, đều là thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

* Một số đặc điểm của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật là bài thơ có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, gieo vần ở chữ cuối của câu 1,2,4 (cũng có bài chỉ gieo vần chữ cuối ở câu 2,4). Trong bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra gieo vần ở chữ cuối của câu 1,2,4: yên - biên - điền.

Câu 2:

* Cụm từ "nửa như có nửa như không" (bán vô bán hữu) có nghĩa là phong cảnh mờ ảo, nửa như có nửa như không, vừa thực lại vừa hư. Quang cảnh được gợi lên ở câu thơ thứ hai này là quang cảnh làng xóm đang mờ trong sương khói, cảnh này có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này đã gợi lên sự nên thơ, mơ màng, huyền bí rất độc đáo của câu thơ.

Câu 3:

Trong bài thơ, cảnh vật được miêu tả vào lúc hoàng hôn (chiều tà), tức là lúc sắp tối, gồm những chi tiết sau:

  • Ánh sáng, màu sắc: mờ mờ như khói phủ
  • Âm thanh: tiếng sáo thổi dắt trâu về
  • Cảnh vật: đàn trâu đi, "Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng"

=> Một khung cảnh làng quê thật thanh bình, êm ả.

Câu 4:

*  Qua những nội dung được miêu tả trong bài thơ, chúng ta có thể nhận thấy cảnh tượng buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường tuy đơn sơ, bình dị nhưng vẫn đậm đà sắc quê, hồn quê. Quê hương của tác giả không có núi cao sông rộng, không có không gian vạn lý thiên, mà ở đây chỉ là một khoảnh khắc chiều tà, một góc xóm nhà dân bình dị. Nhưng chính cảnh này lại có thể âm vang cả non sông đất nước.

* Tâm trạng của tác giả trước cảnh tượng quê hương mình: Có thể nói, tác giả như đang đắm chìm vào không gian buổi chiều tà dung dị quyến rũ ấy. Và trong lòng ông như đang trào dâng một tình yêu tha thiết với xóm làng, với quê hương, đất nước.

Câu 5:

Có thể nói, sau khi hiểu được giá trị của bài thơ, em cảm thấy rất ngạc nhiên khi nhớ lại tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê. Bởi vì đọc bài thơ, ta có thể thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một đất nước với người nông dân thuần phác. Qua điều này, chứng tỏ tác giả là một ông vua yêu dân, thương dân, gần gũi với nhân dân. Và cũng có thể vì lý do này mà những vị vua, vị tướng nhà Trần lãnh đạo nhân dân  chống quân xâm lược đều thành công.