Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (2 điểm)

Chọn ý đúng trong các câu sau.

Câu 1. Các tỉnh nào dưới đây không thuộc vùng Bắc Trung Bộ?

A. Thanh Hoá, Nghệ An.

C. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

B. Hà Tĩnh, Quảng Bình.

D. Đà Nẵng, Ọuảng Nam.

Câu 2. Trung tâm kinh tế nào sau đây không thuộc vùng Bắc Trung Bộ?

A. Đà Nẵng.

C. Vinh.

B. Thanh Hoá.

D. Huế.

Câu 3. Trung tâm công nghiệp, đào tạo và nghiên cứu khoa học của vùng Tây Nguyên là

A. Đà Lạt.

C. Buôn Ma Thuột.

B. Plây Ku.

D. Kon Tum.

Câu 4. Tỉnh nào không thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?

A. Thừa Thiên - Huế.

C. Quảng Ngãi.

B. Đà Nẵng.

D. Khánh Hòa.

II. TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

Trình bày thế mạnh về nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Câu 2. (2 điểm)

 Dựa vào Alát Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày tình hình phát triển kinh tế biển của Duyên hải Nam Trung Bộ.

Câu 3. (1,5 điểm)

Tây Nguyên có những thuận lợi gì về tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế?

Câu 4. (3 điểm)

Căn cứ vào bảng số liệu dưới đây và kiến thức đã học:

MẬT ĐỘ DÂN SỐ PHÂN THEO VÙNG NƯỚC TA, NĂM 2009

Khu vực

Mật độ dân số trung bình

(người/km2)

Cả nước

260

Đồng bằng sông Hồng

1235

Trung du và miền núi Bắc Bộ

120

Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ

197

Tây Nguyên

94

Đông Nam Bộ

597

Đồng Bằng sông Cửu Long

425

a) Nhận xét về mật độ dân số của Đồng bằng sông Hồng.

b) Mật độ dân số cao có thuận lợi và khó khăn gì đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Hồng?

Lời giải chi tiết

I. TRẮC NGHIỆM .

1 - D

2 - A

3 - C

4 - D

II. TỰ LUẬN

Câu 1.

     Thế mạnh về nông nghiệp của Trung du và miền núi Bắc Bộ:

-     Nhờ có điều kiện sinh thái phong phú nên cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới như chè, hồi, mơ, mận, đào, lê... Cây chè chiếm tỉ trọng lớn về diện tích và sản lượng so với cả nước.

-     Chăn nuôi: Đàn trâu của Trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cả nước; chăn nuôi lợn cũng phát triển, đặc biệt là ở các tỉnh trung du.

Câu 2.

Kinh tế biển của Duyên hải Nam Trung Bộ:

- Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản: vùng có nhiều tỉnh sản lượng thuỷ sản khai thác vào loại cao của cả nước như Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định,...

- Dịch vụ cảng biển: vùng có nhiều cảng biển quan trọng vừa là đầu môi giao thông vừa là cơ sở xuất nhập khẩu (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Dung Quất...).

- Du lịch biển phát triển mạnh, nhiều địa danh du lịch biển nổi tiếng như Mỹ Khê (Đà Nẵng) Nha Trang, Mũi Né (Phan Thiết)...

- Nghề làm muối: phát triển mạnh ở ven biển, tập trung ở Cà Ná, Sa Huỳnh.

Câu 3.

Thuận lợi: có tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành.

- Khí hậu cận xích đạo, đất badan nhiều nhất cả nước (chiếm 66% diện tích đất badan của cả nước) thích hợp trồng các cây công nghiệp như cà phê, cao su. hồ tiêu, điều,…

- Rừng tự nhiên còn khá nhiều.

- Trữ năng thủy điện khá lớn, khoáng sản có bô xít với trữ lượng lớn.

Câu 4.

a) Nhận xét

Đồng bằng sông Hồng có mật độ dân số rất cao và cao nhất trong các vùng của cả nước; cao hơn gấp 4,7 lần mật độ dân số trung bình của cả nước, 13,1 lần Tây Nguyên, 10,2 lần Trung du và miền núi Bắc Bộ,... 2,9 lần Đồng bằng sông Cửu Long.

b) Thuận lợi và khó khăn:

- Thuận lợi: nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn.

- Khó khăn

+ Bình quân đất nông nghiệp thấp nhất cả nước.

+ Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị, thiếu việc làm ở nông thôn cao hơn mức trung bình toàn quốc.

+ Nhu cầu về việc làm, y tế, văn hóa, giáo dục ngày càng cao, đòi hỏi đầu tư lớn.

soanvan.me