Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Bài ca ngất ngưởng. Đây là một tác phẩm rất hay và nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ và được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 11 Tập 1.

Các em cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Công Trứ trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).

2. Tác phẩm

Bài ca ngất ngưởng là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Công Trứ. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1848 và được làm theo thể ca trù.

Bài thơ đã phô trương, khoe sự ngang tàng, sự phá cách trong lối sống của ông, lối sống ít phù hợp với khuôn khổ của đạo Nho.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Trong Bài ca ngất ngưởng, từ "ngất ngưởng" được sử dụng tới 4 lần:

  • Từ ngất ngưởng thứ nhất: chỉ sự thao lược, tài năng và phong cách ngạo nghễ khi làm quan của Nguyễn Công Trứ.
  • Từ ngất ngưởng thứ hai: chỉ sự ngang tàn của tác giả ngay khi làm dân thường.
  • Từ ngất ngưởng thứ ba: khẳng định cái chơi ngông hơn người của Nguyễn Công Trứ, ông dẫn các cô gái trẻ lên chùa, đi hát ả đào,... và tự đánh giá cao các việc làm ấy.
  • Từ ngất ngưởng cuối cùng: cho thấy tác giả hơn người vì ông dám coi thường công danh phú quý, coi thường cả dư luận khen chê, thỏa thích vui chơi bất cứ thú gì, không vướng bận đến sự ràng buộc về thân phận.

Câu 2:

Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do nhưng ông vẫn ra làm quan là bởi đó là phương tiện để ông có thể thể hiện tài năng và hoài bão của mình. Do vậy, ngất ngưởng thực chất là một phong cách sống tôn trọng sự trung thực, tôn trọng cá tính, cách sống tự do, phóng khoáng của chính mình.

Câu 3:

Ở bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ tự kể về mình, ông cho mình là ngất ngưởng bởi vì: sau khi cởi mũ, cáo quan ra khỏi cuộc sống bó buộc chốn quan trường bon chen, Nguyễn Công Trứ có những hành vi kỳ quặc, lập dị đến ngất ngưởng.

  • Người ta cưỡi ngựa đi ngao du thiên hạ, ông lại cưỡi bò, lại còn đeo cho một cái đạc ngựa khiến cả chủ lẫn tớ đều ngất ngưởng
  • Ông đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo kiếm cung bên người "một đôi dì". Rõ ràng là trong bộ dạng từ bi, Nguyễn Công Trứ vẫn vướng đầy nợ trần, vẫn đèo bòng đằng sau mấy bóng giai nhân.

=> Đây chính là cốt cách của một khách tài tử, lối sống phá cách của một con người thích làm những chuyện ngược đời, thể hiện khát vọng sống tự do, tự tại.

Với giọng điệu tự thuật khẳng khái, đầy cá tính đã cho thấy Nguyễn Công Trứ là một người sống sòng phẳng, thẳng thắn và có ý thức về cách sống của mình.

Nguyễn Công Trứ tự hào vì đã có một cuộc sống hoạt động tích cực trong xã hội. Ông cũng tự hào vì mình dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó và khắt khe của lễ giáo phong kiến.

Câu 4:

So với những bài thơ Đường luật gò bó, thể hát nói có sự linh hoạt hơn rất nhiều. Mặc dù hát nói có quy định về số câu, cách chia khổ nhưng người viết hoàn toàn có thể phá cách để tạo nên một tác phẩm tự do về số câu, về cách gieo vần, nhịp điệu,...

Chính sự phóng khoáng của thể thơ nên rất thích hợp với việc truyền tải những quan niệm nhân sinh mới mẻ của tầng lớp nhà nho tài tử khao khát khẳng định mình, coi thường những ràng buộc của lễ nghi, của xã hội.