Xin chào các em! Vậy là học kì cuối cùng của chương trình THCS đã bắt đầu! Soạn Văn chúc các em học tập thật tốt để đạt được kết quả cao trong những kì thi quan trọng sắp tới của mình nhé! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Bàn về đọc sách. Đây là văn bản mở đầu chương trình Ngữ văn 9 Tập 2. Các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Chu Quang Tiềm (1897 - 1986): nhà mĩ học và lí luận văn học nổi tiếng của Trung Quốc.

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Văn bản Bàn về đọc sách là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm, dày công suy nghĩ, là những lời tâm huyết của người đi trước muốn truyền lại cho các thế hệ sau. Tác phẩm được in trong Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui, nỗi buồn của việc đọc sách.

* Bố cục: Văn bản Bàn về đọc sách có thể được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: từ đầu => "thế giới mới" : Tầm quan trọng và ý nghĩa cần thiết của việc đọc sách.
  • Phần 2: tiếp => "tự tiêu hao lực lượng" : Những khó khăn, nguy hại trong việc đọc sách.
  • Phần 3: còn lại : Bàn về phương pháp đọc sách hiệu quả.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Vấn đề nghị luận của bài viết này là sự cần thiết của việc đọc sách và các phương pháp đọc sách hiệu quả.

* Các luận điểm đã có ở phần Bố cục trên.

Câu 2:

* Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm, em thấy sách có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc sống của con người nói riêng và xã hội nói chung. Cụ thể là: sách giúp chúng ta ghi chép, lưu truyền mọi tri thức, thành tựu, sách chính là những cột mốc trên con đường phát triển học thuật.

* Ý nghĩa của việc đọc sách: Sách là con đường quan trọng của học vấn, sự chuẩn bị cho cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn và phát triển thế giới mới.

Câu 3:

* Muốn tích lũy học vấn, đọc sách có hiệu quả, trước tiên chúng ta cần biết chọn lựa sách mà đọc vì sách nhiều cũng có những nguy hại nhất định của nó.

  • Sách nhiều khiến cho người ta đọc một cách tràn lan, không chuyên sâu, không nghiền ngẫm kĩ nội dung của sách.
  • Sách nhiều khiến cho chúng ta khó lựa chọn, dễ bị lạc hướng và dẫn đến lãng phí thời gian.

* Theo tác giả, cách lựa chọn sách là:

  • Không nên tham đọc nhiều, đọc tràn lan mà phải đọc kĩ những cuốn sách thực sự có giá trị.
  • Nên đọc kĩ những loại sách, những tài liệu thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, không nên đọc lệch.
  • Khi đọc chuyên sâu thì không nên xem thường những loại sách thường thức, gần gũi với chuyên môn của mình

Câu 4:

Lời bàn của tác giả về phương pháp đọc sách:

  • Không nên đọc lướt qua, phải vừa đọc vừa suy ngẫm, đặc biệt là với những cuốn sách có giá trị.
  • Không nên đọc một cách tràn lan, không tham đọc nhiều, quyển nào cũng đọc, mà phải đọc một cách có kế hoạch và hệ thống. Chúng ta có thể coi đọc sách là một công việc rèn luyện, một cuộc chuẩn bị âm thầm và gian khổ.

=> Lời bàn của Chu Quang Tiềm về phương pháp đọc sách rất sâu sắc mà cũng rất gần gũi và dễ hiểu.

Câu 5:

Bài viết Bàn về đọc sách có sức thuyết phục cao. Điều này được tạo nên từ những yếu tố là:

  • Bố cục chặt chẽ, hợp lí, cách dẫn dắt tự nhiên
  • Cách viết giàu hình ảnh ví von, thú vị.
  • Từ nội dung cho đến cách trình bày đều thấu tình đạt lí; những ý kiến, những nhận xét đưa ra đều xác đáng, có lí lẽ chặt chẽ, vừa sinh động lại vừa dễ hiểu.