Xin chào các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ tiếp tục hướng dẫn các em soạn bài: Ca dao hài hước. Đây là một văn bản được biên soạn thuộc chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo nhé!

Hướng dẫn học bài

Câu 1:

Bài ca dao 1:

Đây là lời đối đáp, vui đùa của nam nữ thường thấy trong ca dao. Nó mang đến cho ta một tiếng cười mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

* Việc dẫn cưới và thách cưới ở đây rất đặc biệt:

  • Việc dẫn cưới: Chàng trai có những dự định lớn: muốn có một hôn lễ linh đình nhưng vì những lí do khách quan mà không thể thực hiện được. Cụ thể như dẫn voi thì sợ quốc cấm, dẫn trâu thì sợ họ máu hàn, dẫn bò sợ họ co gân, nên chàng trai đã quyết định "Dẫn con chuột béo mời dân mời làng". Lí lẽ này thật thông minh, hóm hỉnh.
  • Việc thách cưới: cô gái thách cưới chàng trai một "nhà khoai lang", nghe có vẻ là dễ nhưng cô gái hiểu rõ hoàn cảnh của chàng trai không thể đáp ứng nên chỉ cần một nhà khoai lang thôi cũng là đủ rồi.

=> Qua đây, chúng ta nhận thấy, người nông dân đã tự cười vào chính cái nghèo của mình. Họ không hề cảm thấy mặc cảm mà còn bằng lòng, sẵn sàng chấp nhận cái nghèo. Từ đó, chúng ta càng cảm thấy khâm phục hơn nhân cách và quan niệm sống của họ.

* Bài ca có giọng điệu hài hước, dí dỏm, đáng yêu là nhờ những yếu tố nghệ thuật:

  • Lối nói khoa trương, phóng đại: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò, dẫn nhà khoai lang,...
  • Lối nói giảm dần: voi -> trâu -> bò -> chuột, Củ to -> củ nhỏ -> củ mẻ -> củ rím, củ hà
  • Cách nói đối lập, phủ định: dẫn voi/ sợ quốc cấm; dẫn trâu/ sợ họ máu hàn; dẫn bò/ sợ họ co gân; dẫn lợn gà/ khoai lang

Câu 2:

Bài ca dao 2,3,4: 

Tiếng cười trong bài ca dao 2,3,4 là tiếng cười đả kích, châm biếm và phê phán xã hội, phê phán nội bộ nhân dân, nhằm nhắc nhở con người ta tránh những thói hư, tật xấu.

* Bài ca dao 2:

Trong bài ca dao này, tác giả dân gian đã sử dụng nghệ thuật phóng đại cùng thủ pháp đối lập nhằm châm biếm những người đàn ông yếu đuối, không đáng sức trai, không đáng nên trai. Họ yếu đuối đến mức chỉ gánh được “hai hạt vừng”.

* Bài ca dao 3:

Tác giả dân gian đã mượn lời than thở của người vợ để làm nổi bật, đồng thời, phê phán, lên án sự lười nhác, thảm hại của ông chồng vô tích sự chỉ biết “ ngồi bếp sờ đuôi con mèo”.

* Bài ca dao 4:

Đây là bài ca dao chế giễu những người phụ nữ có tính tình đỏng đánh, vô duyên. Với nghệ thuật phóng đại tài tình, tác giả dân gian đã mang đến tiếng cười, châm biếm nhẹ nhàng với loại phụ nữ này. Bên cạnh đó, tác giả dân gian vẫn nhẹ nhàng chê thứ tình yêu mù quáng, không biết sửa chữa khiếm khuyết cho nhau “chồng yêu chồng bảo…”

Câu 3:

Những biện pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong ca dao hài hước là:

  • Đối lập tương phản
  • Lối nói cường điệu, phóng đại
  • Hư cấu dựng cảnh tài tình, khắc họa nhân vật bằng những nét điển hình có giá trị khái quát cao
  • Có nhiều liên tưởng rất độc đáo và thú vị
  • Sử dụng ngôn ngữ đời thường mà hàm ý sâu xa