Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Cảm xúc mùa thu (Thu hứng). Đây là một bài thơ rất hay và nổi tiếng của Đỗ Phủ - một nhà thơ hiện thực vĩ đại của Trung Quốc, là danh nhân văn hóa thế giới. Bài thơ này được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Đỗ Phủ trong SGK Ngữ Văn 10 Tập 1).

2. Tác phẩm

Cảm xúc mùa thu là bức tranh mùa thu hiu hắt và cũng là tâm trạng buồn cùng nỗi lo của nhà thơ. Nỗi lo ấy bắt nguồn nỗi buồn của tác giả khi ông chứng kiến cảnh đất nước kiệt quệ vì sự tàn phá của chiến tranh. Bài thơ cũng là nỗi lòng của kẻ xa quê, là nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận của kẻ tha hương.

Bài thơ này còn tiêu biểu cho một số đặc điểm nghệ thuật của thơ Đ­ường như­: nghệ thuật "tả cảnh ngụ tình", nghệ thuật xây dựng các mối quan hệ đồng nhất và tương ứng.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Bài thơ có thể được chia làm 2 phần:

  • Phần 1: 4 câu thơ đầu: miêu tả cảnh mùa thu
  • Phần 2: 4 câu thơ sau: cảm hứng của thi nhân khi cảnh mùa thu về trên đất khách.

Chia như vậy bởi chúng ta thấy rằng 2 phần này có tính độc lập nhất định (4 câu thơ trên thiên nhiều hơn về tả cảnh, còn 4 câu thơ dưới lại thiên nhiều hơn về tả tình). Và chính bởi lí do này nên mặc dù đây là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng chúng ta vẫn có thể chia làm hai phần để phân tích và tìm hiểu được dễ dàng hơn.

Câu 2:

Sự thay đổi tầm nhìn từ 4 câu đầu đến 4 câu sau:

  • 4 câu thơ đầu: là không gian trong tầm nhìn xa của tác giả
  • 4 câu thơ sau: từ không gian phía xa, tác giả rút về không gian cận kề, để rồi sau đó, thực cảnh nhập vào tâm cảnh.

Sở dĩ có sự thay đổi tầm nhìn trên là bởi có sự thay đổi về thời gian. Khi buổi chiều dần buông, tầm nhìn của con người sẽ bị thu hẹp lại. Và thêm nữa để nó phù hợp với sự vận động của tứ thơ, từ cảnh đến tình thì không gian từ bao la, rộng lớn cũng rút về thành thứ không gian nội tâm.

Câu 3:

* Mối quan hệ giữa 4 câu thơ đầu và 4 câu thơ sau: cả 2 đều góp phần tạo nên một bức tranh mùa thu vô cùng bi tráng. 4 câu thơ đầu thì miêu tả mùa thu ở một không gian rộng lớn, còn 4 câu thơ sau thì miêu tả mùa thu ở một không gian hẹp hơn. Qua đó, thể hiện mối quan hệ trong sự vận hành của tứ thơ đó là đi từ cảnh đến tình, cảnh khởi sinh tình và tình thấm sâu hơn vào cảnh.

* Mối quan hệ giữa toàn bài thơ với nhan đề Thu hứng: bài thơ có nhan đề là Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) nên toàn bộ bài thơ, từ hình ảnh cho đến câu chữ đều chuyển tải tình cảm của thi nhân trước cảnh sắc mùa thu. Bốn câu thơ đầu mặc dù miêu tả cảnh sắc mùa thu nhưng ấn sâu trong đó lại là nỗi u uất của lòng thi nhân. Còn 4 câu thơ sau, tâm sự của thi nhân lại thấm đẫm vào cảnh, từ tình mà cảm cảnh tạo nên 2 hình ảnh gợi buồn đến ám ảnh.