Xin chào các em! Trong chuyên mục soạn văn ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi. Văn bản được biên soạn nằm trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai, quê gốc tại làng Ngái (Chi Ngại), huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông mất ngày 19 – 9 – 1442, niên hiệu Đại Bảo thứ ba, trong vụ án Lệ Chi Viên (tức vụ án Trại Vải, huyện Gia Lương, nay thuộc Bắc Ninh), vụ án tru di tam tộc oan khốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông là nhà văn hoá, nhà thơ lớn của dân tộc, người mở đầu cho sáng tác thơ Nôm ở Việt Nam.

2. Tác phẩm: Cảnh ngày hè là một trong những bài thơ đặc sắc trong tập Quốc âm thi tập, một tập thơ Nôm được xem là cổ nhất của Nguyễn Trãi.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Trong bài thơ có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh ngày hè. Đó là những động từ: đùn đùn, giương, phun. 

  • Đùn đùn: gợi tả sắc xanh thẫm của tán hoè lớp lớp, liên tiếp tuôn ra
  • Giương: rộng ra
  • Phun: gợi sự nổi bật, bắt mắt của màu đỏ hoa lựu

=> Miêu tả cảnh vật với sức sống mãnh liệt như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy. Thiên nhiên hiện lên vô cùng sống động.

Câu 2:

Cảnh ở đây có sự hài hòa giữa âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người. Cảnh vật ngày hè ngập tràn màu sắc, sự kết hợp độc đáo giữa màu đỏ của hoa lựu trước hiên với cây hòe xanh rợp bóng. Hương hoa sen kết hợp với khung cảnh ấy mang đến một không gian tràn đầy sức sống. Và trong không gian cảnh hè ấy, hình ảnh con người hiện lên với sự sung túc, hạnh phúc trong lao động. Tiếng "lao xao" của làng chài cùng tiếng ve râm ran tạo ra không khí nhộn nhịp, tràn đầy sức sống.

Câu 3: 

*  Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác. Không những nhìn thấy màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa thạch lựu, tác giả còn nghe thấy âm thanh lao xao của chợ cá, tiếng của ve kêu và ngửi thấy mùi thơm của hoa sen mùa hè.

* Qua sự cảm nhận đó cho chúng ta thấy Nguyễn Trãi là một con người yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên. Đồng thời, qua việc thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên, nhà thơ còn muốn nói lên tấm lòng của mình với nhân dân, với đất nước.

Câu 4:

* Hai câu thơ cuối cho chúng ta thấy tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với người dân: tác giả ước mình có "Ngu cầm" – cây đàn của vua Ngu Thuấn – gảy lên khúc hát Nam phong, khúc hát về sự ấm no cho trăm họ. Câu thơ này thể hiện ước muốn về một đất nước thái bình, người dân được tham gia lao động, có cuộc sống hạnh phúc để "dân giàu đủ" ở "khắp đòi phương".

* Âm điệu của câu thơ lục ngôn kết thúc bài thơ khác với những câu thơ thất ngôn: Câu thơ cuối với sáu chữ và nhịp thơ nhanh hơn như giải phóng tất cả nỗi niềm mà tác giả dồn nén ở những câu thơ trên. Suy cho cùng, cái mà Nguyễn Trãi hướng đến luôn là nhân dân xã tắc chứ không chỉ đơn thuần là cảnh đẹp "nhàn" khi đi ở ẩn.

Câu 5:

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là: khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân.

Như chúng ta đều biết, Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử với một tấm lòng trung quân ái quốc, người đã từng viết lên áng thiên cổ hùng văn của dân tộc, đã buộc lòng về ở ẩn bởi bất mãn trước thời cuộc. Trong lòng ông không lúc nào nguôi đi nỗi thương dân. Và trong bài thơ này, tuy chỉ bộc lộ tình thương cho nhân dân ở hai câu thơ cuối là chủ yếu, nhưng qua tất cả những câu thơ còn lại ta cũng thấy được ước muốn của ông khi miêu tả những vẻ đẹp thôn quê cùng vẻ đẹp của con người lao động.