I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

Thép mới (tên khai sinh là Hà Văn Lộc), quê Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội; ông hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ, Sinh viên Cứu Quốc, Văn hóa Cứu quốc trước Cách mạng tháng Tám. Ông nguyên là Phó tổng biên tập, Người bình luận cấp cao báo Nhân Dân, Tổng biên tập báo Giải Phóng, Ủy viên ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành hội nhà báo Việt Nam, Huân chương độc lập hạng nhì, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương G. Phu - xích của Hội nhà báo quốc tế.

Một số tác phẩm đã xuất bản: Tuyên ngôn Đảng cộng sản (1946), Trách nhiệm (1951), Thời gian ủng hộ chúng ta (1954), Thép đã tôi thế đấy (1955),...

2. Tác phẩm

*  Xuất xứ: Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre,  bộ phim thể hiện vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.

* Tóm tắt

Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam. Tre (và những loại cây cùng họ) xuất hiện ở khắp mọi nơi trên đất nước ta. Cây tre có nhiều vẻ đẹp giản dị và nhiều phẩm chất đáng quý. Tre gắn bó lâu đời với con người (nhất là người nông dân) trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động sản xuất và trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Tre chính là người bạn đồng hành của dân tộc ta trên con đường đi tới ngày mai.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

*  Đại ý của bài văn: Cây tre Việt Nam nói lên sự gắn bó thân thiết và lâu đời của cây tre và con người Việt Nam trong đời sống, sản xuất và chiến đấu. Cây tre có vẻ đẹp bình dị và nhiều phẩm chất quý báu. Cây tre đã trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

*  Bố cục: Văn bản được chia làm 3 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "chí khí như người": Giới thiệu chung về cây tre
  • Đoạn 2: tiếp => "chung thủy": Sự gắn bó của cây tre với con người trong sản xuất, sinh hoạt và chiến đấu
  • Đoạn 3: còn lại: Khẳng định cây tre là biểu tượng của con người và dân tộc Việt Nam.

Câu 2:

Để làm rõ ý: "Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam", bài văn đã đưa ra hàng loạt những biểu hiện cụ thể.

a) Những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre với con người trong lao động và cuộc sống hằng ngày:

  • Bóng tre trùm lên bản làng, thôn xóm
  • Tre là cánh tay của người nông dân
  • Tre là người nhà
  • Tre gắn bó tình cảm gái trai, là đồ chơi trẻ con, nguồn vui tuổi già
  • Tre với người sống có nhau, chết có nhau, chung thủy
  • Tre là đồng chí chiến đấu
  • Tre là vũ khí (gậy tầm vông, chông tre)
  • Tre xung phong vào xe tăng, đại bác

b) Hình ảnh nhân hóa cây tre giống như một người bạn, với tất cả những đặc tính của con người. Nhờ nhân hóa mà hình ảnh cây tre hiện ra thật sống động trong đời sống, sản xuất và chiến đấu. Cây tre đã trở thành anh hùng lao động và anh hùng chiến đấu. Tre cũng như con người Việt Nam, là biểu tượng của con người và dân tộc Việt Nam.

Câu 3:

Trong đoan kết, tác giả hình dung về vị trí của cây tre khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa. Khi đó, sắt, thép và xi măng sẽ dần trở nên quen thuộc, sẽ thay thế một phần cho những cây tre, họ nhà tre. Tuy vậy, nứa tre cũng vẫn sẽ còn mãi, làm bóng mát, làm cổng chào và hóa thân vào trong âm nhạc, vào những nét văn hóa trong chiếc đu ngày xuân ngày xuân dướn lên bay bổng.

Câu 4:

Bài văn miêu tả vẻ đẹp của cây tre, một loài cây giàu sức sống, thanh cao mà giản dị. Cây tre gắn bó với con người từ rất lâu, trong sinh hoạt, sản xuất cũng như trong chiến đấu. Hình ảnh cây tre cũng giống như những con người Việt Nam, sống ngay thẳng, chung thủy và can đảm. Cây tre mang phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.