Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn một văn bản trong chương trình Ngữ Văn 11. Đó là tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 11 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Nguyễn Tuân (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Truyện ngắn Chữ người tử tù được in trong tập Vang bóng một thời. Nhân vật chính trong tác phẩm là Huấn Cao - một con người tài hoa nhưng lại mang một số phận tù đày nhưng vẫn được tác giả khắc họa với những phẩm chất và khí phách đáng quý thông qua tình huống truyện và những chi tiết, hành động.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Tình huống truyện của tác phẩm: cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường:

  • Ông Huấn Cao: một người tử tù đang chờ ngày ra pháp trường nhưng lại có tài viết chữ đẹp, ông đại diện cho cái đẹp, chống lại triều đình phong kiến.
  • Viên quản ngục: một kẻ đại diện cho quyền lực, nhưng lại khát khao và say mê cái đẹp.

* Tác dụng của tình huống truyện: làm nổi bật hình tượng nhân vật Huấn Cao và tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục. Đồng thời, góp phần làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

Câu 2:

a) Phân tích vẻ đẹp độc đáo của hình tượng nhân vật Huấn Cao:

* Vẻ đẹp về tài hoa:

  • Được thể hiện qua lời nói của viên quản ngục với thơ lại: Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm; có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một báu vật ở đời; Nét chữ vuông tươi tắn nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người.
  • Được thể hiện qua thái độ và hành động của quản ngục liều chết để biệt nhỡn Huấn Cao (nói năng lễ phép, đãi Huấn Cao rượu thịt), từng bước bày tỏ mong muốn xin chữ của ông.

* Vẻ đẹp về khí phách:

  • Huấn Cao là một người có lý tưởng sống cao cả, dám phất cờ dấy binh chống lại triều đình, hi sinh hạnh phúc riêng tư vì sự nghiệp lớn nên phải đi tù và chịu án tử hình.
  • Ông có tài bẻ khóa vượt ngục, vào tù ra tội, là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm sống
  • Ung dung, đường hoàng.

-> Qua đây, cho ta thấy khí phách bất khuất, anh hùng. Huấn Cao chính là hình mẫu tiêu biểu đẹp đẽ của bậc hào kiệt.

* Vẻ đẹp về thiên lương:

  • Coi khinh tiền bạc, quyền thế: Ta nhất sinh không vì tiền bạc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối.
  • Hiểu được tấm lòng biệt nhỡn thiên tài và sở nguyện cao quý của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ viên quản ngục.

=> Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng là một hình mẫu hoàn hảo và trọn vẹn bởi cảm hứng lãng mạn và bút pháp lý tưởng hóa của Nguyễn Tuân: một con người vừa có tâm, vừa có tài, hiên ngang, bất khuất trước những cái xấu, cái ác, nhưng lại mềm lòng trước cái quý, cái đẹp.

b) Quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp:

  • Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau
  • Một nhân cách cao đẹp bao giờ cũng là sự thống nhất giữa cái tâm và cái tài

Câu 3: Về nhân vật viên quản ngục:

* Là con người say mê, quý trọng cái đẹp, cái tài:

  • Khi chưa gặp Huấn Cao: ông vẫn luôn ngợi khen tài viết chữ đẹp và chí khí ngang tàn của Huấn Cao; ông có ý muốn biệt đãi Huấn Cao trong những ngày ở ngục tù
  • Khi gặp Huấn Cao: viên quản ngục vẫn luôn đối đãi tử tế với một kẻ tử tù đại nghịch.

* Là một con người có tâm hồn nghệ sĩ:

  • Thú chơi chữ, say mê thư pháp
  • Ông luôn có một sở nguyện cao quý là xin được chữ của Huấn Cao.

=> Qua đây, chúng ta có thể thấy viên quản ngục chính là một tấm lòng trong thiên hạ, là một thanh âm trong trẻo trong chốn ngục tù tối tăm.

Câu 4: Đoạn văn tả cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nhà lao:

* Thời gian: một đêm khuya tối tăm, u ám, đặc biệt đây là đêm cuối cùng của một con người.

* Không gian: trong ngục tù tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy màng nhện, dưới đất bừa bãi phân chuột, phân gián.

* Ánh sáng: chỉ có bó đuốc tẩm dầu đỏ rực, vuông lụa trắng tinh.

* Con người: trong không gian ấy, con người hiện lên:

  • Ông Huấn Cao: cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô những nét chữ trên vuông lụa trắng tinh
  • Viên quản ngục: khúm núm
  • Thơ lại: run run bưng chậu mực

* Tác giả coi đây là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có" là bởi vì:

  • Cảnh cho chữ không được diễn ra trong một không gian thư phòng sạch sẽ mà lại diễn ra trong ngục tù tối tăm, chật hẹp, bẩn thỉu và ẩm ướt.
  • Người nghệ sĩ sáng tạo là một kẻ tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, sắp bị tử hình.
  • Kẻ tử tù ở tư thế bên trên oai phong, uy nghi, trái ngược lại với kẻ đại diện cho quyền thế (viên quản ngục, thơ lại) thì khúm núm, run run.

=> Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người vẫn luôn khao khát hướng tới chân - thiện - mĩ. Đó chính là giá trị nhân văn của tác phẩm.

Câu 5:

* Bút pháp xây dựng nhân vật: bút pháp lý tưởng hóa cảm hứng lãng mạn.

* Bút pháp miêu tả cảnh vật: được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản, làm nổi bật sự đối lập gay gắt giữa cái xấu và cái đẹp, giữa cái thiện và cái ác, giữa tính cách và hoàn cảnh.

* Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của tác giả: sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình, sử dụng nhiều từ Hán Việt, từ cổ để tạo không khí thời đại và của người vang bóng.