Xin chào các em! Trong bài soạn hôm nay, Soạn Văn sẽ cùng các em đi tìm hiểu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Đây là một sáng tác rất nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử và được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 11 Tập 2. Các em hãy cùng theo dõi để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Hàn Mặc Tử (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Đây thôn Vĩ Dạ (lúc đầu có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ) sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên (sau đổi thành Đau thương).

* Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sống Hương nơi xứ Huế mộng mơ.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong hai khổ thơ đầu:

* Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng câu hỏi tu từ:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Đây là lời trách móc nhẹ nhàng, là lời mời gọi tha thiết của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ.

* Cánh nơi thôn Vĩ được tác giả miêu tả:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc chen ngang mặt chữ điền.

  • Điệp từ nắng được nhấn mạnh 2 lần trong một câu thơ: ấn tượng về ánh nắng ngập tràn, tươi tắn, bao phủ khắp không gian.
  • Vườn ai với đại từ phiếm chỉ ai gợi cảm giác mơ hồ, bất định trong tâm hồn thi nhân.
  • Mướt quá : gợi sự tươi non, mượt mà của khu vườn nơi thôn Vĩ Dạ.
  • Xanh như ngọc: nghệ thuật so sánh diễn tả sự xanh mướt được ánh nắng mặt trời của buổi sớm mai chiếu xuyên qua làm bừng sáng cả khu vườn nơi thôn Vĩ.

=> Thiên nhiên thôn Vĩ hiện lên vào một buổi sớm mai đẹp thanh khiết, trong trẻo, thơ mộng và tràn trề sức sống.

  • Mặt chữ điền: là biểu tượng của nét đẹp phúc hậu, hiền lành, trung thực.
  • Lá trúc chen ngang: lá trúc mảnh mai, gợi nét đẹp kín đáo, phúc hậu, dịu dàng của con người xứ Huế.

-> Câu thơ có sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người mang một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng.

=> Bốn câu thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, con người mang vẻ đẹp kín đáo dịu dàng. Qua đó cũng bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu người tha thiết cùng những niềm băn khoăn, day dứt của nhà thơ.

Câu 2:

Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai gợi cảm xúc:

  • Gió, mây: đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên: chia lìa, phân li
  • Dòng nước: buồn thiu -> dòng sông lặng lờ như bất động, không muốn chảy như đánh mất đi sự sống của mình.
  • Hoa bắp lay: chỉ sự lay động khẽ khàng.

-> Không chỉ là cái buồn của cảnh vật mà còn là cái buồn của con người.

  • Sông trăng, con thuyền: hiện lên lung linh, kì ảo
  • Bút pháp tượng trưng thể hiện sự khát khao hạnh phúc
  • Câu hỏi: thể hiện sự mong ngóng, hi vọng và cả nỗi đau thương, tuyệt vọng

=> Khổ thơ thứ hai đã vẽ nên một bức tranh sông Hương nên thơ, huyền ảo, phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ. Khổ thơ đã gieo vào lòng người đọc sự cảm thông sâu sắc trước niềm đau của thi nhân.

Câu 3:

* Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ đã bộc lộ tâm sự của mình:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

  • : trạng thái vô thức, nhà thơ đang đắm chìm trong cõi mộng
  • Điệp ngữ "khách đường xa": nhấn mạnh khoảng cách xa rời, nhưng chỉ là khách trong mơ
  • Các từ: xa, trắng quá, sương khó, mờ, ảnh,... càng tăng thêm cảm giác khó nắm bắt

-> Nhà thơ tha thiết hướng về người thôn Vĩ nhưng cảm thấy xa vời, khó tiếp cận.

  • Lòng tác giả đầy hoài nghi, thể hiện ở câu hỏi cuối: Nhà thơ làm sao biết được tình người xứ Huế có đậm đà với mình hay không hay cũng mờ ảo như làn khói kia. Người xứ Huế có biết chăng tình cảm của nhà thơ với cảnh Huế, người Huế hết sức đậm đà và thắm thiết.

=> Thể hiện nỗi cô đơn, trống vắng trong một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc đời đã nhuốm màu đau thương, bất hạnh.

Câu 4:

Có điểm đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ:

  • Về tứ thơ: Ở bài thơ, tứ thơ bắt đầu với cảnh đẹp nơi thôn Vĩ bên sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực - ảo và mở ra cảm xúc, suy tư về cảnh và người xứ Huế.
  • Bút pháp của bài thơ: kết hợp một cách hài hòa, nhịp nhàng giữa cảnh thật và cảnh tượng trưng, giữa cái thực tế với cái lãng mạn, trữ tình.