Mở đầu cho thể loại truyện ngụ ngôn trong chương trình Ngữ văn 6 Tập 1 là văn bản Ếch ngồi đáy giếng. Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản này để có tiết học trên lớp thật hiệu quả nhé!

I. Về thể loại

Văn  bản Ếch ngồi đáy giếng thuộc thể loại truyện ngụ ngôn:

  • Là thể loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện ngụ ngôn thường mượn chuyện về những đồ vật, loài vật hoặc về tính cách con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người những bài học nào đó trong cuộc sống
  • Trong lịch sử văn học, truyện ngụ ngôn được ra đời từ rất sớm. Từ thời cổ đại đã có Ê-dốp - một nhà thơ Hi Lạp chuyên viết truyện ngụ ngôn bằng thơ. Sau này thì có La Phông -ten cũng là một tác giả truyện ngụ ngôn nổi tiếng

II. Tóm tắt

Có một con ếch sống trong đáy giếng đã lâu ngày, nó cứ nghĩ mình là chúa tể, còn bầu trời chỉ bằng cái vung. Đến khi trời mưa to, nước ở giếng dâng lên, ếch ta ra khỏi giếng, đi lại nghênh ngang, không để ý đến xung quanh nên đã bị con trâu giẫm bẹp.

III. Bố cục

Văn bản Ếch ngồi đáy giếng có thể được chia thành 2 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "như một vị chúa tể", nội dung: ếch khi ở trong giếng
  • Đoạn 2: còn lại, nội dung: ếch khi ra ngoài giếng

IV. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Ếch tưởng bầu trời chỉ bé bằng cái vung và nó thì oai như một vị chúa tể là bởi vì nó sống ở dưới đáy giếng đã lâu ngày, xưa nay chưa từng ra khỏi miệng giếng. Khi nó nhìn lên, chỉ thấy bầu trời nhỏ bằng cái miệng giếng. Hơn thế nữa, những con vật sống ở dưới giếng cùng với ếch đều là những con vật nhỏ bé, khi nó cất tiếng kêu đều làm chúng hoảng sợ nên ếch nghĩ mình là chúa tể.

Câu 2:

Ếch bị con trâu đi qua giẫm bẹp là do ếch đã được ra khỏi giếng, nhưng vẫn giữ thói chủ quan, kiêu ngạo như khi còn ở trong đáy giếng, đi khắp nơi, kêu ồm ộp, nhâng nháo nhìn trời mà không thèm để ý đến xung quanh.

Câu 3:

Truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng mang đến cho chúng ta rất nhiều bài học ý nghĩa:

  • Một môi trường nhỏ bé, hạn hẹp, không có sự giao lưu sẽ làm hạn chế những hiểu biết về thế giới xung quanh
  • Khi sống lâu trong một môi trường như thế, sẽ làm cho con người ta trở nên nông cạn, hạn hẹp, từ đó nảy sinh tâm lý chủ quan, kiêu ngạo
  • Đã không có hiểu biết lại còn kiêu ngạo, chủ quan sẽ phải trả cái giá rất đắt, thậm chí là có thể mất mạng như chú ếch kia
  • Đồng thời, truyện cũng khuyên nhủ chúng ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.