Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ tiếp tục hướng dẫn các em soạn văn bản: Hai đứa trẻ. Đây là một tác phẩm rất hay và ý nghĩa của Thạch Lam. Được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 11 Tập 1. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Thạch Lam (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Hoàn cảnh sáng tác: Thạch Lam đã từng có những ngày tháng sống ở phố huyện Cẩm Giàng, vốn là một con người nhạy cảm, ông nhanh chóng đồng cảm và xót thương với cuộc sống của người dân nơi đây nên đã viết truyện ngắn này.

* Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập Nắng trong vườn. Cũng giống như nhiều truyện ngắn khác của ông, Hai đứa trẻ có sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạn.

* Bố cục: gồm 3 phần:

  • Phần 1: từ đầu -> "cười khanh khách" : Cảnh phố huyện lúc chiều xuống.
  • Phần 2: tiếp -> "cảm giác mơ hồ không hiểu nổi" : Cảnh phố huyện về đêm.
  • Phần 3: còn lại : Cảnh chuyến tàu đêm đi qua phố huyện.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Cảnh vật trong truyện được miêu tả trong thời gian và không gian:

  • Thời gian: Buổi chiều tàn cho tới lúc đoàn tàu đi qua phố huyện đêm.
  • Không gian: nơi phố huyện nghèo trước cách mạng tháng Tám. Xung quanh là cánh đồng làng xóm, gần bờ sông, có đường sắt chạy qua, có một ga tàu. Chiều mùa hè, tiếng ếch nhái kêu râm ran. Đêm xuống, phố vắng, rất ít đèn, trời tối im lìm.

Ngoài ra, tác phẩm còn đề cập đến không gian hồi tưởng của chị em Liên, đó là không gian khi gia đình của hai chị em còn ở Hà Nội. Bên cạnh đó là không gian mơ tưởng, mơ tưởng về một Hà Nội xa xăm, tấp nập, huyên náo, sáng rực và hạnh phúc.

Câu 2:

Cuộc sống và hình ảnh những người dân phố huyện:

* Cuộc sống:

  • Cảnh ngày tàn: tiếng trống, tiếng côn trùng, tiếng muỗi vo ve,... bóng tối bắt đầu tràn ngập trong con mắt Liên.
  • Cảnh chợ tàn: thật tẻ nhạt, lúc này chỉ còn lại rác, mấy đứa trẻ đang nhặt nhạnh, mùi ẩm mốc bốc lên,...
  • Bóng tối bao trùm khắp phố huyện: phố tối, đường ra sông tối... một vài ngọn đèn leo lét...

* Hình ảnh người dân phố huyện: vợ chồng bác Xẩm, gia đình chị Tý, bà cụ Thi hơi điên, mấy đứa trẻ con nhà nghèo, bác Siêu và chính cả hai chị em Liên,... => Cuộc sống của họ hòa lẫn cùng với bóng tối như những cái bóng vật vờ, lay lắt.

=> Tác giả đã vẽ ra một bức tranh về phố huyện nghèo và đầy bóng tối. Hình ảnh những con người nơi đây hiện lên thật sinh động, họ là những con người đang phải bươn chải kiếm ăn, lo cho cuộc sống.

Câu 3:

Tâm trạng của Liên và An trước khung cảnh thiên nhiên và bức tranh đời sống nơi phố huyện:

* Trước khung cảnh thiên nhiên:

  • Chị em Liên cảm nhận được buổi chiều quê bằng những cảm giác rất riêng, vừa buồn lại vừa gắn bó. Liên cảm thấy "buồn man mác trước cái thời khắc của ngày tàn" và cảm nhận được "cái mùi riêng của đất của quê hương này".
  • Khi đêm xuống trên phố chuyện, hai chị em Liên lặng lẽ ngắm bầu trời lúc về đêm. Hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên và dường như có cả sự giao cảm: "tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu".

* Hai chị em Liên và An lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra nơi phố huyện, cô xót xa, cảm thông, chia sẻ với những kiếp người nhỏ nhoi, sống lay lắt trong bóng tối cơ cực, nghèo đói, tù đọng trong chính bóng tối của họ.

Mặc dù nỗi buồn cùng với bóng tối của màn đêm ngập tràn trong đôi mắt Liên, nhưng tâm hồn của cô bé vẫn dành cho một mong ước, một sự chờ đợi trong đêm, đó chính là chuyến tàu chạy qua phố huyện.

Câu 4:

* Hình ảnh đoàn tàu trong truyện đã được miêu tả: được lặp lại tới 10 lần.

  • Tàu xuất hiện với những toan đèn sáng trưng "đèn ghi xanh biếc", "tiếng còi xe lửa"
  • Làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếng hành khách khạc ồn ào khe khẽ, xa dần rồi mất hút trong đêm tối mênh mông.
  • Tàu được miêu tả chi tiết từ dấu hiệu đầu tiên cho đến khi tàu đến và khi tàu qua
  • Tàu là hình ảnh của Hà Nội, của hạnh phúc, của những kí ức tuổi thơ êm đềm.

* Liên và An cố thức để được nhìn chuyến tàu đêm đi qua phố huyện là vì:

  • Để bán hàng theo lời mẹ dặn
  • Được nhìn thấy một cuộc sống nhộn nhịp, vui vẻ, hiện đại, khác hoàn toàn với cuộc sống của chị em Liên hiện tại.
  • Con tàu như mang đến một kỉ niệm, đánh thức những hồi ức về những kỉ niệm mà chị em cô đã từng được sống.

Câu 5:

Nghệ thuật miêu tả và giọng văn của tác giả:

  • Nghệ thuật miêu tả đặc sắc: Thạch Lam thành công trong việc miêu tả sinh động những biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng của con người.
  • Giọng văn của tác giả: nhẹ nhàng tâm tình, thủ thỉ. thấm đượm chất thơ trữ tình. Lời văn bình dị nhưng vẫn luôn ẩn chứa một niềm xót thương đối với những con người nghèo khổ, sống lam lũ, quẩn quanh.

Câu 6:

Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam muốn phát biểu tư tưởng: đó là thể hiện niềm xót thương đối  với những kiếp người nghèo khổ, quẩn quanh, bế tắc, họ phải sống cuộc sống cơ cực nơi phố huyện nghèo trong giai đoạn trước cách mạng tháng Tám. Qua đó, tác giả cũng biểu hiện niềm ao ước, mong muốn vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những con người đó.