Xin chào các em! Đến với chuyên mục soạn văn lớp 9 tập 1 ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ giới thiệu đến các em bài soạn: Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long. Các em hãy tham khảo để chuẩn bị cho bài giảng trên lớp của thầy cô thật tốt nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long trong SGK Ngữ văn 9 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện được rút từ tập Giữa trong xanh in năm 1972.

* Tóm tắt:

Trên chuyến xe từ Hà Nội lên Lào Cai, có ông họa sĩ già, bác lái xe và cô kĩ sư trẻ tình cơ quen nhau. Bác lái xe giới thiệu cho ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ làm quen với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Anh thanh niên mời ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Trong 30 phút, anh thanh niên tặng hoa cho cô gái, pha trà và trò chuyện với mọi người về cuộc sống và công việc của mình. Ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh từ chối và giới thiệu cho ông những người khác mà anh cho là xứng đáng hơn anh. Khi chia tay, ông họa sĩ hứa sẽ quay trở lại, cô kĩ sư thì cảm thấy xúc động, yên tâm hơn về quyết định lên Lào Cai công tác, còn anh thanh niên tặng mọi người một làn trứng.

* Bố cục:

Văn bản có thể được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: từ đầu => "cô độc nhất thế gian" : Anh thanh niên hiện lên qua lời kể của bác lái xe.
  • Phần 2: tiếp => "có vật gì như thế" : Cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa anh thanh niên, bác họa sĩ già và cô kĩ sư.
  • Phần 3: còn lại: Cuộc chia tay cảm động giữa 3 người.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Cốt truyện đơn giản, mặc dù chỉ là cuộc gặp gỡ, hội ngộ giữa 4 con người: ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, anh thanh niên và bác lái xe.

* Tình huống truyện giản dị, nhẹ nhàng mà lặng lẽ.

* Tác phẩm này, theo lời của tác giả, là "một bức chân dung". Đó là bức chân dung về anh thanh niên, được hiện ra trong cái nhìn và suy nghĩ của bác lái xe, cô kĩ sư trẻ và ông họa sĩ già.

Câu 2:

Phân tích nhân vật anh thanh niên qua truyện.

* Là một người say mê công việc, có tinh thần trách nhiệm cao:

  • Sống một mình trên đỉnh núi suốt 4 năm trời, là con người "cô độc nhất thế gian"
  • Công việc của anh đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và cần cù, chăm chỉ, yêu nghề, nhưng anh thì vẫn luôn nghiêm túc, làm việc đúng giờ.

* Có nếp sống khoa học, ngăn nắp, căn phòng mà anh làm việc luôn gọn gàng, nơi ở sạch sẽ.

* Có tâm hồn đẹp, anh chăm chỉ trồng hoa, đọc sách, yêu thiên nhiên.

* Tính tình cởi mở, chu đáo với mọi người, anh tặng hoa cho cô kĩ sư, tặng trứng cho ông họa sĩ, tặng tam thất cho bác lái xe, nói năng cởi mở và chân thành.

* Khiêm tốn giản dị: anh nói ít về mình mà chủ yếu để dành thời gian nói chuyện với mọi người, từ chối khi ông họa sĩ có ý định vẽ mình, giới thiệu cho ông họa sĩ những con người xứng đáng hơn mình.

Câu 3:

Phân tích nhân vật ông họa sĩ:

  • Là một người nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và tinh tế: ông có thể nhận ra Sa Pa mặc dù chưa đến đó lần nào và cũng không ai giới thiệu, ông rất tinh tế và nhạy cảm.
  • Là một người yêu nghề, sẵn sàng đi đến những nơi xa xôi để tìm cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật.
  • Có trực giác nhạy bén: mặc dù chỉ là tình cờ gặp anh thanh niên nhưng ông cũng đã cảm nhận được vẻ đẹp của người con trai ấy. Rồi ông đã thay đổi suy nghĩ và quan niệm khi tiếp xúc với anh thanh niên. Có thể nói, đây không phải là sự thay đổi trong cái nhìn về Sa Pa mà còn là sự thay đổi trong quan niệm của một người nghệ sĩ về cuộc sống, về cái đẹp.

Câu 4:

* Chất trữ tình của tác phẩm được thể hiện ở những chi tiết: trong đoạn văn tả cảnh Sa Pa  và giọng văn của tác giả "Nắng bây giờ đã ... như một bó đuốc lớn".

* Tác dụng của chất trữ tình đó: Làm cho câu chuyện trở nên mượt mà, đậm chất thơ, như những tác phẩm hội họa lung linh kì ảo.

Câu 5:

Chủ đề của truyện: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ca ngợi những con người vô danh, hằng ngày cứ lặng lẽ cống hiến hết mình cho đất nước, cho nhân dân. Trong số những con người đó, nổi bật lên là hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, anh một mình tự giác vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, đem lại niềm vui cho mọi người.

Soạn Văn chúc các em học tập thật tốt nhé!