Xin chào tất cả các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ cùng các em đi soạn văn bản: Một thời đại trong thi ca. Đây là một trích đoạn của bài tiểu luận do tác giả Hoài Thanh sáng tác và được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 11 Tập 2. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Hoài Thanh (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Một thời đại trong thi ca là tiểu luận mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, tổng kết một cách sâu sắc phong trào Thơ mới. Đoạn trích thuộc phần cuối của bài tiểu luận.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Theo tác giả, cái khó trong việc tìm ra tinh thần của thơ mới là ranh giới giữa thơ mới và thơ cũ không phải rạch ròi và dễ nhận ra.

* Tác giả đã đưa ra cách nhận diện:

  • Không căn cứ vào những bài thơ dở, thời nào chả có mà phải so sánh bài hay với bài hay
  • Vả chăng cái mới và cái cũ vẫn tiếp nối qua lại nhau nên phải so sánh trên đại thể.

Câu 2:

Điều cốt lõi mà thơ mới đưa đến cho thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ là cái "tôi" với một quan niệm mà trước đó chưa từng có: quan niệm cá nhân. Đó là sự tự ý thức về bản thân, khát vọng được thành thực.

Câu 3:

Tác giả nói "chữ tôi với cái nghĩa tuyệt đối của nó" lại "đáng thương""tội nghiệp" bởi vì: cái "tôi" đã mang đến cho tâm hồn họ nỗi buồn lạnh, bơ vơ, muốn thoát nhưng không thoát được. Họ ở đây là những thi nhân đang sống trong cuộc đời mong mỏi, tù túng của thân phận mất nước, mang trong mình cái "tôi" cô đơn, bé nhỏ nên họ thật đáng thương.

Cái "tôi" đáng thương và tội nghiệp:

  • Họ mất hết cốt cách hiên ngang ngày trước
  • Họ không tìm được tiếng nói chung với cuộc đời, phải trốn chạy vào ý thức cá nhân
  • Thiếu một lòng tin đầy đủ vào thực tại, tìm cách thoát li thực tại nhưng lại rơi vào bi kịch

Câu 4:

Các nhà thơ lãng mạn cũng như "người thanh niên" bấy giờ đã giải tỏa bi kịch đời mình bằng cách gửi bi kịch ấy vào trong tiếng Việt, dồn hết tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Họ lấy tinh thần nòi giống, tìm về dĩ vãng để làm chỗ dựa tinh thần.

Câu 5:

Một thời đại trong thi ca là một tiểu luận phức tạp, phong phú, nhưng người đọc vẫn thấy dễ hiểu và hấp dẫn là bởi:

  • Cách đặt vấn đề của tác giả rất ngắn gọn và dễ hiểu, có tính thuyết phục cao
  •  Dẫn dắt vấn đề khoa học, khéo léo, dễ hiểu, đảm bảo sự liền mạch trong hệ thống luận điểm, luận cứ, sự liên kết, chuyển tiếp giữa các ý, các đoạn trong bài một cách thống nhất.
  • Bài viết có tầm nhìn bao quát về cái "tôi", cái "ta", có sự so sánh giữa các câu thơ và nhà thơ cũ, mới trong diễn biến lịch sử chứ không nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản một chiều.
  • Lời văn giàu hình ảnh, giàu chất thơ khiến người đọc dễ hiểu và dễ cảm nhận
  • Tình cảm của tác giả chân thành, nồng nhiệt
  • Giọng văn phê bình nhưng không khô khan mà lại dịu dàng, hấp dẫn, có sự trong sáng, tha thiết, cảm thông và thấm đượm tình người