Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Nội dung và hình thức của văn bản văn học. Bài học được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Đề tài của văn bản văn học là các lĩnh vực trong đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Một số ví dụ về đề tài của văn bản văn học:

  • Đề tài của truyện cổ tích Tấm Cám là sự xung đột giữa người tốt và người xấu, giữa cái thiện và cái ác.
  • Đề tài của truyện ngắn Lão Hạc là cuộc sống và số phận bi thảm của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.
  • Đề tài của Truyện Kiều là cuộc đời và số phận của những người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến.
  • Đề tài của Tắt đèn là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 8, trong những ngày sưu thuế.
  • Đề tài của bài thơ Đồng chí là tình đồng chí, đồng đội của những anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Câu 2:

Chủ đề là những vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản, thể hiện sự quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

Ví dụ:

  • Chủ đề của tác phẩm Truyện Kiều là thực trạng xã hội vô nhân đạo và số phận con người sống trong xã hội ấy. Vấn đề tình yêu, nhân phẩm, công lý,... cũng được Nguyễn Du đưa ra để lý giải.
  • Chủ đề của truyện ngắn Lão Hạc là nhân cách, lòng tự trọng của người nông dân trước cái nghèo đói.
  • Chủ đề của tác phẩm Chữ người tử tù là miêu tả tài năng, dũng khí, thiên lương cao cả kết tinh thành vẻ đẹp của Huấn Cao, đồng thời khẳng định tài và tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời, có khả năng cảm hóa cái xấu.

Câu 3:

Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng trong văn bản văn học:

Tư tưởng chính là linh hồn của văn bản. Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc có thể cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

Câu 4:

Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức trong văn bản văn học:

  • Một văn bản văn học có khả năng đáp ứng được những chức năng chủ yếu của văn học như: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, giao tiếp,... là một văn bản tốt về nội dung và đẹp về hình thức.
  • Văn bản văn học thực sự có giá trị khi có sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ. Đây chính là ý nghĩa quan trọng và cũng là tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm văn học.