Xin chào các em! Tiếp tục với chương trình soạn văn trong sách giáo khoa Ngữ Văn 6 Tập 1. Hôm nay, Soạn Văn sẽ giới thiệu đến các em bài soạn: Sơn Tinh, Thủy Tinh. Đây là một truyện rất quen thuộc với tuổi thơ của chúng ta, các em hãy cùng tham khảo nhé!

I. Về thể loại

Văn bản Sơn Tinh, Thủy Tinh thuộc thể loại truyền thuyết, đặc điểm của thể loại này như sau:

  • Văn bản thường kể về những nhân vật hoặc sự kiện có liên quan đến lịch sử trong quá khứ
  • Thường có xuất hiện những yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo
  • Thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với những sự kiện lịch sử được kể

II. Tóm tắt truyện

Vào đời Hùng Vương thứ 18, nhà vua đưa ra những yêu cầu kén rể cho công chúa tên là Mị Nương. Một hôm, có 2 chàng trai đến cầu hôn công chúa là Sơn Tinh (thần Núi) và Thủy Tinh (thần Nước). Vì hai chàng trai đều tài giỏi, nhà vua bèn ra điều kiện: hôm sau, ai mang đầy đủ sính lễ theo yêu cầu đến trước thì sẽ được cưới Mị Nương. Hôm sau, Sơn Tinh đến trước và rước được Mị Nương về núi. Thủy Tinh đến sau, không cưới được Mị Nương, đùng đùng nổi giận, dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng Sơn Tinh thắng, Thủy Tinh bèn rút quân. Và từ đó, hằng năm, Thủy Tinh gây ra mưa gió, bão lụt để trả thù Sơn Tinh.

III. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh có thể được chia thành 3 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "mỗi thứ một đôi", nội dung: vua Hùng thứ 18 đưa ra điều kiện kén rể
  • Đoạn 2: tiếp => "thần Nước đành rút quân", nội dung: Sơn Tinh, Thủy Tinh cầu hôn công chúa và cuộc giao tranh của 2 vị thần
  • Đoạn 3: phần còn lại, nội dung: cuộc trả thù hằng năm với Sơn Tinh và những thất bại của Thủy Tinh

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh được gắn với thời đạt Hùng Vương thứ 18, gắn với công cuộc trị thủy thời đại dựng nước đầu tiên của người Việt cổ.

Câu 2:

* Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, nhân vật chính là Sơn Tinh (thần Núi) và Thủy Tinh (thần Nước)

* Các nhân vật chính được miêu tả bằng những chi tiết tưởng tượng, kỳ ảo là:

  • Nhân vật Sơn Tinh: "vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi" và "thần dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ"
  • Nhân vật Thủy Tinh: "gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về" và "thần hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời"

*Ý nghĩa tượng trưng của những nhân vật trên là:

  • Thủy Tinh: là biểu tượng cho mưa gió, bão lụt ghê gớm xảy ra hằng năm được hình tượng hóa
  • Sơn Tinh: đây là nhân vật tượng trưng cho khát vọng, cho ước mơ chiến thắng thiên tai của nhân dân ta thời xưa. Tầm vóc, tài năng cũng như sức mạnh của Sơn Tinh chính là biểu tượng sinh động cho chiến công của người Việt cổ trong cuộc đấu tranh chống bão lụt ở lưu vực sông Đà và sông Hồng thời bấy giờ

Câu 3:

Ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là:

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh vừa có ý nghĩa giải thích hiện tượng bão lụt hằng năm, vừa thể hiện được sức mạnh, mong ước của người Việt Cổ muốn chế ngự thiên tai. Đồng thời, truyện cũng góp phần suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.

IV. Luyện tập

Câu 1:

Hướng dẫn cách kể truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:

  • Đoạn 1 và đoạn 3: các em kể với giọng chậm
  • Đoạn 2: ở đoạn này, giọng kể cần phải mạnh mẽ, sôi nổi để miêu tả chân thực nhất cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh

Câu 2:

Từ truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, chúng ta có thể thấy rằng, chủ trương xây dựng, củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng, đồng thời trồng thêm hàng triệu héc-ta rừng của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn đúng đắn. Đây là một giải pháp vô cùng hữu hiệu về phòng chống lũ lụt được rút ra từ kinh nghiệm ngàn đời của dân tộc ta. Vì thế, mỗi chúng ta nên tự giác ý thức, hướng ứng cũng như tuyên truyền, tán thành chủ trương đúng đắn này.

Câu 3:

Một số truyện kể dân gian liên quan đến thời đại các vua Hùng như: Hùng Vương chọn đất đóng đô, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Chử Đồng Tử, Vua Hùng đi săn,...