Xin chào các em! Trong bài viết ngày hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Thương vợ của Trần Tế Xương. Bài thơ được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 11 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Trần Tế Xương (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Trần Tế Xương trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 10).

2. Tác phẩm

* Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Hình ảnh bà Tú qua 4 câu thơ đầu:

Hai câu đề là hình ảnh bà Tú gắn với công việc làm ăn và mưu sinh của bà:

  • Quanh năm: là cách tính thời gian vất vả, triền miên, hết năm này qua năm khác
  • Mom sông: địa điểm làm ăn cheo leo, nguy hiểm, không ổn định

=> Hoàn cảnh kiếm sống lam lũ, vất vả, địa điểm sinh tồn thì bấp bênh và khó khăn.

Tiếp đến, hai câu thực đặc tả cảnh làm ăn vất vả để mưu sinh của bà Tú:

  • Đảo ngữ "lặn lội" được đưa lên đầu câu, dùng "thân cò" thay cho "con cò" nhằm nhấn mạnh nỗi vất vả và gian truân của bà Tú.
  • Quãng vắng, đò sông: không gian heo hút, vắng lặng, chứa đựng đầy những nỗi lo âu, nguy hiểm.
  • Biện pháp đối: khi quãng vắng >< buổi đò sông
  • Eo sèo: gợi lên cảnh tượng chen chúc trên sông nước của những người buôn bán nhỏ.

=> Nỗi cơ cực, vất vả, khó khăn của bà Tú.

Nói tóm lại, qua 4 câu thơ đầu giúp người đọc thấy được công việc và thân phận của bà Tú, qua đó cũng cho chúng ta thấy được nỗi xót thương của Tú Xương đối với người vợ của mình.

Câu 2:

* Những câu thơ nói lên đức tính cao đẹp của bà Tú:

Nuôi đủ năm con với một chồng

-> Bà Tú là một người vợ, một người mẹ luôn hết lòng với cuộc sống gia đình, câu thơ như nén một nỗi xót xa, cay đắng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

-> Bà Tú luôn chăm chỉ kiếm sống, làm ăn cho dù có vất vả và khó khăn đến nhường nào.

Năm nắng mười mưa dám quản công

-> Đức tính chịu thương, chịu khó, luôn hết lòng vì chồng, vì con của bà Tú.

Một duyên hai nợ âu đành phận

-> Bà Tú không hề than thân, trách phận hay oán giận chồng con, mà ngược lại, bà luôn tự nguyện gánh vác mọi khổ cực vì chồng con.

Câu 3:

Lời "chửi" trong 2 câu thơ cuối là lời của tác giả đang tự "chửi" chính mình. Bởi Tú Xương cho rằng ông chính là nguyên nhân gây nên nỗi khổ của vợ. Bên cạnh đó, câu thơ còn là tiếng "chửi" của Tú Xương với xã hội, ông chửi cái thói đời đểu cáng, bạc bẽo đã khiến cho bà Tú vất vả và cũng chính xã hội đó đã biến ông thành một ông chồng vô tích sự. Đây là lời chửi trong tâm khảm của sự yêu thương, có cả nỗi niềm ngậm ngùi, xót xa.

Câu 4:

Nỗi lòng thương vợ của nhà thơ được thể hiện rất rõ trong bài thơ:

  • Nhan đề: Thương vợ -> Tú Xương đã bày tỏ trực tiếp nỗi lòng của mình đối với vợ.
  • Tiếng "chửi" ở cuối bài: tác giả đã một mặt trách mình là nguyên nhân khiến cho vợ khổ, mặt khác lại thể hiện tình yêu thương chân thành và sâu nặng của nhà thơ.

Vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương được thể hiện qua nỗi niềm yêu thương, quý trọng và biết ơn người vợ của mình. Đặc biệt, trong cái xã hội vẫn còn định kiến trọng nam khinh nữ thì việc một nhà nho như Tú Xương không những nhận ra sự vô dụng của mình mà còn tự trách bản thân một cách thẳng thắn thể hiện ông là một người có nhân cách cao đẹp, đáng trân trọng.