Xin chào các em! Sau đây, Soạn Văn sẽ tiếp tục hướng dẫn các em soạn văn bản: Chí khí anh hùng. Đây là một trích đoạn trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du và được biên soạn trong chương trình Ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo để hiểu thêm về cuộc đời của Thúy Kiều nhé!

I. Tìm hiểu chung

* Vị trí đoạn trích: Đoạn trích Chí khí anh hùng được trích từ câu 2213 đến câu 2230 nói về việc Từ Hải dứt áo ra đi dựng sự nghiệp anh hùng.

* Bố cục: Đoạn trích có thể được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: 4 câu đầu: Khát vọng lên đường của Từ Hải và cuộc chia tay sau nửa năm chung sống.
  • Phần 2: 12 câu tiếp: Cuộc đối thoại giữa Từ Hải với Kiều - thể hiện tính cách anh hùng của Từ Hải
  • Phần 3: 2 câu còn lại: Hành động dứt khoát ra đi của người anh hùng Từ Hải.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Hàm nghĩa của các cụm từ:

  • Lòng bốn phương: chí nguyện lập nên công danh sự nghiệp
  • Mặt phi thường: chỉ tính chất khác người, xuất chúng.

=> Cho thấy tầm vóc vũ trụ phi thường của người anh hùng Từ Hải.

* Những từ ngữ thể hiện sự trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với người anh hùng Từ Hải: trượng phu, lòng bốn phương, mặt phi thường, thoắt, trông vời, trời bể mênh mang, thanh gươm yên ngựa,...

Câu 2:

Từ Hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thúy Kiều:

  • Từ Hải trách Thúy Kiều rằng là tri kỉ mà không hiểu mình, có thể thấy, người anh hùng đã không hề quyến luyến, bịn rịn với tình yêu mà quên đi lí tưởng cao cả. => Thái độ và hành động quyết đoán, không chút do dự khi phải lựa chọn giữa hạnh phúc riêng tư và lí tưởng.
  • Từ Hải tự tin về một tương lai thành công: "Chầy chăng là một năm sau vội gì". => Lời hẹn ước của người anh hùng ngắn gọn, dứt khoát và chắc nịch, đúng với cái khí phách của vị tướng quân uy vũ.

Câu 3:

Đặc điểm của cách miêu tả người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích: khuynh hướng lí tưởng hóa nhân vật bằng bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ. Trong đó, bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ được gắn bó chặt chẽ với nhau.

Kiểu mẫu người anh hùng vốn là nhân vật truyền thống trong văn học trung đại với nét đặc trưng là chí khí "bốn phương", suy nghĩ và hành động ngắn gọn, dứt khoát, chủ yếu được miêu tả nhiều hơn ở khía cạnh lí trí, phần tình cảm có vẻ giản đơn và phần mờ nhạt hơn.