Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản: Trao duyên. Đây là một trích đoạn trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và được biên soạn trong chương trình ngữ Văn 10 Tập 2. Mời các em cùng tham khảo!

I. Tìm hiểu chung

* Vị trí đoạn trích: Đoạn trích Trao duyên được trích từ câu 723 đến câu 756, là lời Thúy Kiều nói cùng Thúy Vân, mở đầu cuộc đời đầy đau khổ của Thúy Kiều khi gia đình gặp biến cố.

* Bố cục: Đoạn trích được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: 12 câu đầu: Kiều tìm cách thuyết phục và trao duyên cho Thúy Vân.
  • Phần 2: 15 câu tiếp: Kiều trao kỉ vật cho Vân và dặn dò em.
  • Phần 3: 8 câu cuối: Kiều đau đớn, vật vã đến ngất đi.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa:

  • Kiều được sống trong kí ức đẹp, nàng xót xa, đau đớn khi phải mang những kỉ vật riêng tư chia sẻ với người khác.
  • Kiều nói với Vân mà như nói với chính bản thân mình. Nhắc lại những kỉ niệm tình yêu cho thấy sức sống mãnh liệt của tình yêu giữa Kiều với Kim Trọng, Kiều trao cho Vân kỉ vật nhưng không thể trao cho Vân kỉ niệm, tình cảm mà nàng dành cho Kim Trọng sẽ không bao giờ phai.

Câu 2:

* Những từ ngữ cho thấy Kiều đã nghĩ đến cái chết: thịt nát xương mòn, Ngậm cười chín suối...; người mệnh bạc; Mất người; Thấy hiu hiu gió thì hay chị về; hồn; Dạ đài cách mặt khuất lời; người thác oan.

* Việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó có ý nghĩa:

  • Khi không còn tình yêu, Kiều cảm thấy trống trải và vô nghĩa, chỉ nhìn thấy cái chết xung quanh.
  • Tư tưởng về cái chết của Nguyễn Du: ảnh hưởng thuyết luân hồi của đạo Phật.
  • Sự băn khoăn và day dứt của Nguyễn Du trước nỗi đau của con người, thương xót trước thân phận của người con gái tha thiết yêu thương mà số phận nghiệt ngã.

Câu 3:

* Kiều đối thoại với Thúy Vân, với chính mình và với Kim Trọng.

* Diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích:

  • Đối với Thúy Vân: Ban đầu Kiều khẩn khoản, tha thiết, thậm chí là ép buộc Vân nhận mối duyên của mình, nhưng sau đó, Kiều càng tỏ ra nuối tiếc, càng không muốn dứt bỏ mối tình ấy. Nàng đau khổ khi phải tự đấu tranh với chính bản thân mình, đến mức dù trao cho Vân nhưng vẫn muốn giữ lại một chút cho mình trong mối nhân duyên đó. => Kiều không thể nào dứt bỏ hoàn toàn tình yêu với Kim Trọng.
  • Đối với chính mình: Sau khi trao duyên cho Vân, Kiều cảm thấy trống rỗng, buông xuôi. Không còn tình yêu của Kim Trọng, nàng cảm thấy như mình đã chết đi rồi.
  • Đối với Kim Trọng: Kiều tự xem mình là một kẻ phản bội. Dù không muốn phản bội, nhưng nàng tự nhận đó là lỗi của mình, là mình đã phụ chàng, đã vứt bỏ chàng. => Tiếng kêu bất lực của Thúy Kiều vang lên đầy đau đớn như một dấu chấm hết cho một mối lương duyên tươi đẹp vừa mới chớm nở đã lụi tàn.

Câu 4:

Mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí, nhân cách và thân phận của Kiều qua đoạn trích: Lí trí mách bảo nàng trao duyên cho Thúy Vân và hy sinh cứu cha mẹ để làm tròn chữ hiếu. Nhưng con tim hướng về tình yêu lại khiến nàng thổn thức, đau đớn. Đây cũng là mâu thuẫn giữa các phạm trù đạo đức phong kiến với tâm hồn con người, cũng là sự đau khổ khi nhân cách đa tình, đa cảm song hành cùng thân phận người làm con. Ở đây, Kiều được sống chân thực và tự nhiên với đời sống tình cảm của con người. Nguyễn Du không hề biến Kiều trở thành tấm gương đạo đức đơn giản.