Xin chào các em! Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Văn bản văn học. Bài học được biên soạn trong chương trình SGK Ngữ Văn 10 Tập 2. Các em hãy cùng tham khảo để chuẩn bị thật tốt cho bài giảng trên lớp của thầy cô nhé!

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Những tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học: có 3 tiêu chí:

  • Tiêu chí 1: Văn bản văn học đi sâu phản ánh và khám phá thế giới tình cảm, tư tưởng và thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.
  • Tiêu chí 2: Ngôn từ của văn bản văn học là ngôn từ nghệ thuật có hình tượng mang tính thẩm mĩ cao, trau chuốt biểu cảm, gợi cảm, hàm súc, đa nghĩa.
  • Tiêu chí 3: Văn bản văn học bao giờ cũng thuộc về một thể loại nhất định với những quy ước riêng, cách thức của thể loại đó.

Câu 2:

Nói: "hiểu tầng ngôn từ mới là bước thứ nhất cần thiết để đi vào chiều sâu của văn bản văn học" là bởi vì:

  • Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Khi đọc văn bản văn học, chúng ta phải hiểu rõ nghĩa của từ, từ nghĩa tường minh đến hàm nghĩa, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng.
  • Ngôn từ là đối tượng đầu tiên khi tiếp xúc với văn bản văn học
  • Chiều sâu của văn bản văn học tạo nên từ tầng hàm nghĩa, tầng hàm nghĩa được ẩn dưới bóng tầng hình tượng, mà hình tượng lại được hình thành từ sự khái quát của lớp nghĩa ngôn từ.

Nói tóm lại, khi đọc văn bản văn học phải hiểu được tầng hàm nghĩa nhưng hiểu được tầng ngôn từ là bước thứ nhất cần thiết để đi vào chiều sâu của văn bản văn học.

Câu 3:

Ý nghĩa một hình tượng trong bài thơ hoặc đoạn thơ: Hàm nghĩa của văn bản văn học là những lớp nghĩa ẩn kín, tiềm tàng của văn bản được gửi gắm trong hình tượng. Các em có thể tìm hiểu ý nghĩa của hình tượng trong câu ca dao sau:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng

Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

Câu ca dao trên không chỉ mang ý nghĩa tả thực. "Tre non đủ lá" là chỉ những người đã trưởng thành, đủ lớn; còn "đan sàng" là chỉ việc cưới xin, kết duyên với nhau.

Như vậy, khi chàng trai nói đến chuyện tre, đan sàng thì câu ca dao không chỉ mang ý nghĩa tả thực như vậy. Mà nó còn là lời ngỏ ý của chàng trai hỏi cô gái có đồng ý nên duyên với chàng hay không.

Câu 4:

* Hàm nghĩa của văn bản văn học là những ý nghĩa ẩn kín, nghĩa tiềm tàng của một văn bản văn học. Đó là những điều mà nhà văn gửi gắm, tâm sự, kí thác, những thể nghiệm về cuộc sống.

Ví dụ:

  • Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương: mới đọc thì chỉ là miêu tả chiếc bánh trôi đơn thuần, nhưng nghĩa hàm ẩn mà tác giả muốn gửi gắm lại là vẻ đẹp cũng như số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công.
  • Bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến: kể về tình huống người bạn lâu không gặp đến nhà chơi mà chủ nhà không có gì tiếp khách. Thực chất, tất cả những vật chất không đầy đủ đó chỉ để nổi bật lên tình bạn thắm thiết của nhà thơ với bạn mình.