Xin chào các em! Vậy là một năm học mới lại bắt đầu, chúc các em học tập thật tốt và gặt hái được nhiều thành công trong năm học này nhé! Và sau đây, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn văn bản đầu tiên của chương trình Ngữ Văn 11. Đó là bài: Vào phủ chúa Trịnh trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1. Mời các em cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả: Lê Hữu Trác (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả trong SGK Ngữ Văn 11 Tập 1).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Văn bản Vào phủ chúa Trịnh được trích trong tác phẩm Thượng kinh kí sự (Kí sự đến kinh đô) của tác giả Lê Hữu Trác. Đoạn trích nói về việc Lê Hữu Trác lên tới kinh đô, được dẫn vào phủ chúa để bắt mạch, kê đơn cho Trịnh Cấn.

* Thể loại: Văn bản được viết bằng thể kí sự - một thể loại văn học mới xuất hiện ở thế kỉ XVIII, ghi chép những câu chuyện, những sự việc có thực và tương đối hoàn chỉnh.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Quang cảnh trong phủ chúa Trịnh được miêu tả khá tỉ mỉ từ ngoài vào trong, từ bao quát đến cụ thể.

  • Phải đi qua mấy lần cửa, năm sáu lần trướng gấm
  • Được canh giữ rất nghiêm ngặt
  • Cảnh trí ở đây cũng khác lạ: cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, vườn hoa đầy sắc hương, những dãy hành lang quanh co nối tiếp nhau.
  • Trong phủ là những đại đồng, quyền bổng, gác tía, kiệu son, mâm vàng chén bạc
  • Nội cung thế tử có sập vàng, ghế rộng, nệm gấm, màn là, hương hoa ngào ngạt,...

=> Quang cảnh cực kỳ xa hoa và lộng lẫy.

* Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa:

  • Trong phủ có nhiều loại quan và người phục địch, người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan đi lại như mắc cửi.
  • Lời lẽ nhắc đến chúa và thế tử đều phải hết sức cung kính và lễ độ.
  • Chúa phải có phi tần chầu chực, tác giả cũng không được nhìn thấy mặt chúa, tất cả chỉ làm theo lệnh và thông qua quan chánh đường
  • Thế tử mặc dù chỉ mới là một đứa bé khoảng 5 - 6 tuổi, lúc nào cũng có tới 7 - 8 thầy thuốc túc trực bên cạnh và có người hầu cận 2 bên. Khi vào xem mạch lẫn khi lui ra, người thầy thuốc đều phải cúi lạy cung kính.

=> Cung cách sinh hoạt cho thấy sự cao sang, quyền quý đến tột cùng. Qua đó, cho người đọc thấy được một cuộc sống xa hoa, hưởng lạc cùng với sự lộng hành nơi phủ chúa.

* Những quan sát, ghi nhận này nói lên cách nhìn, thái độ của Lê Hữu Trác đối với cuộc sống nơi phủ chúa:

  • Được thể hiện gián tiếp qua cách miêu tả, ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ con đường vào phủ chúa từ khi truyền lệnh cho tới khi y lệnh về chờ thánh chỉ. => Tác giả phơi bày cuộc sống xa hoa và quyền thế nơi phủ chúa.
  • Được thể hiện trực tiếp thông qua cách quan sát, những lời nhận xét và những lời bình giá của tác giả

=> Thể hiện thái độ thờ ơ, dửng dưng của tác giả với cảnh xa hoa nơi phủ chúa Trịnh. Qua đó cũng kín đáo bộc lộ thái độ không đồng tình với cuộc sống quá đầy đủ, tiện nghi mà thiếu sinh khí trong phủ chúa.

Câu 2:

* Những chi tiết trong đoạn trích được cho là "đắt", có tác dụng làm nổi bật giá trị hiện thực của tác phẩm là:

  • Chi tiết đối lập: thế tử - một đứa bé - ngồi chễm trệ trên sập vàng cho thầy thuốc - một cụ già - quỳ lạy. Để rồi "ngài" cười và ban cho một lời khen "rất trẻ con": Ông này lạy khéo!
  • Chi tiết tác giả đi vào nơi ở của thế tử để xem mạch: "Đột nhiên thấy ông ta (quan Chánh đường) mở một chỗ trong màn gấm rồi bước vào. Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả. Đi độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy..." => Gợi lên một khung cảnh ngột ngạt bởi son vàng, sự tù đọng và nhức nhối.

Khi đọc đến chi tiết này, chắc hẳn chúng ta đều đã biết được nguyên nhân gây ra căn bệnh của thế tử Cán. Một đứa trẻ có tuổi đời còn quá nhỏ nhưng lại bị kìm kẹp nơi thâm cung thiếu sinh khí tự nhiên để sống.

Ngoài ra, truyện cũng còn nhiều chi tiết khác rất độc đáo và sắc sảo để giúp người đọc thấy được cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa Trịnh.

Câu 3:

Cách chẩn đoán và chữa bệnh của Lê Hữu Trác cùng những diễn biến tâm tư của ông khi kê đơn cho ta thấy thái độ, tâm trạng và những suy nghĩ sâu sắc của nhà văn:

  • Ông muốn chữa bệnh cầm chừng cho thế tử nhưng lại trái với y đức của một người thầy thuốc, phụ lòng của cha ông. => Ông là một người có lương tâm, đức độ.
  • Khi ông đã quyết định chữa bệnh cho thế tử, mặc dù ý kiến của ông trái với ý của nhiều người nhưng ông vẫn bảo vệ, giữ nguyên ý kiến. => Ông là một người thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh, có tài năng và chính kiến riêng.

Câu 4:

Bút pháp kí sự của tác giả có điểm đặc sắc:

  • Sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế và sắc sảo, kết hợp với bút pháp tả cảnh sinh động
  • Nội dung ghi chép trung thực
  • Cách kể chuyện khôn khéo, lôi cuốn và hấp dẫn. Đặc biệt là những chi tiết nhỏ có tính chất tạo nên cái thần của cảnh và sự việc.
  • Giọng điệu thấp thoảng ý mỉa mai, hài hước.