Xin chào các em! Như chúng ta đã biết, Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca. Nhà thơ Viễn Phương đã có một bài thơ rất hay viết về Người, về niềm xúc động, tiếc thương khi vào lăng viếng Bác. Hôm nay, Soạn Văn sẽ hướng dẫn các em soạn bài: Viếng lăng Bác của Viễn Phương được biên soạn trong chương trình ngữ văn 9 tập 2. Các em hãy cùng tham khảo nhé!

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu tác giả Viễn Phương trong SGK Ngữ văn 9 Tập 2).

2. Tác phẩm

* Xuất xứ: Vào năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước được thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa được khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác trong dịp đó và được in trong tập Như mây mùa xuân (1978).

* Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do

* Bố cục: Bài thơ được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: Hai khổ thơ đầu: Cảm xúc bên ngoài lăng
  • Phần 2: Khổ thơ thứ 3: Cảm xúc khi vào viếng lăng
  • Phần 3: Khổ thơ cuối: Cảm xúc khi rời lăng.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Cảm xúc bao trùm bài thơ của tác giả là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn, tự hào, pha lẫn xót xa khi vào viếng lăng Bác.

* Trình tự biểu hiện trong bài: cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng, nỗi xúc động thiêng liêng khi được vào lăng và sự luyến tiếc khi sắp phải trở về.

Câu 2:

* Phân tích hình ảnh "hàng tre" bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu:

Hình ảnh "hàng tre" được tác giả miêu tả đầu tiên trong bài thơ. Nó vừa là hình ảnh thực, vừa là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. "Hàng tre" là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, nó biểu tượng cho dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường.

* Hình ảnh cây tre cuối bài thơ có ý nghĩa "cây tre trung hiếu". Đây cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, hình ảnh cây tre ở cuối bài thơ còn thể hiện sự lưu luyến, thiết tha của tác giả, muốn lòng mình mãi ở bên Bác.

Câu 3:

* Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác được thể hiện trong các khổ 2,3,4 là:

  • Lòng thành kính của người viếng lăng: dòng người...thương nhớ.
  • "Mặt trời trong lăng" là hình ảnh ẩn dụ nói lên sự to lớn, vĩ đại của Bác Hồ giống như mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng luôn tỏa sáng cho sự sống của muôn loài.

Nỗi nhớ thương và niềm xót xa vô hạn của mọi người được thể hiện trong khổ thơ thứ 3:

  • Hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" gợi nhớ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người.
  • "Trời xanh là mãi mãi": Bác ra đi nhưng vẫn còn mãi với quê hương, đất nước, như trời xanh còn mãi
  • "Mà sao nghe nhói ở trong tim !", đây là một câu thơ rất hay và ấn tượng diễn tả trực tiếp nỗi đau xót của cả dân tộc Việt Nam vì sự ra đi của Bác.

Đến khổ thơ cuối là những diễn tả chân thành, mộc mạc tình cảm của nhà thơ, bày tỏ niềm mong mỏi, muốn hóa thân vào những cảnh vật bên lăng Bác: trào nước mắt, là con chim, đóa hoa, và đặc biệt là muốn làm cây tre trung hiếu để có thể mãi mãi ở bên Bác.

Câu 4:

Sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật:

  • Thể thơ 8 chữ với hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo và gợi cảm, vừa quen thuộc lại vừa sâu sắc, ngôn ngữ bình dị, cô đúc,...tất cả đều góp phần vào việc diễn tả tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
  • Giọng điệu trang nghiêm, đau xót, tự hào thể hiện đúng cảm xúc của tác giả, nhịp điệu chậm, thành kính, lắng đọng, khổ cuối thể hiện sự tha thiết và lưu luyến.