I. Tác giả, tác phẩm

1.  Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu về tác giả Phạm Duy Tốn trong SGK Ngữ văn 7 tập 2)

2. Tác phẩm

* Thể loại: Văn bản Sống chết mặc bay thuộc thể loại truyện ngắn.

Ở Việt Nam, vào khoảng đầu thế kỉ XX, khái niệm truyện ngắn còn khá mới mẻ. Thời trung đại cũng đã có truyện hoặc các tác phẩm có tính chất tự sự nhưng không có tác phẩm nào thể hiện được những đặc trưng cơ bản của thể loại này.

Truyện ngắn thuộc loại hình tự sự, đặc trưng cơ bản nhất của nó là ngắn. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn không hoàn toàn quyết định tính chất thể loại. Như trên đã nói, nhiều tác phẩm (có tính tự sự) thời trung đại nhưng không thể xếp vào loại truyện ngắn bởi ngoài tính chất về dung lượng, truyện ngắn còn có một số đặc trưng khác.

Khác với các truyện dài (ví dụ: tiểu thuyết) và truyện vừa thường tái hiện trọn vẹn cuộc đời một nhân vật, một sự kiện, hoàn cảnh,... truyện ngắn chỉ là một lát cắt, một khoảnh khắc, một hiện tượng nổi bật (cũng có thể khác thường) của cuộc sống. Để đảm bảo với một dung lượng nhỏ mà chuyển tải được những ý nghĩa lớn, ngôn ngữ truyện ngắn phải hàm súc đến mức tối đa. Các chi tiết "thừa" (đối với việc thể hiện nội dung cốt truyện), các chi tiết rườm rà đều bị lược bỏ để tập trung vào những chi tiết chủ yếu nhất. Trong truyện ngắn, dường như hiện thực đời sống đã được "nén" chặt lại nhằm mục đích khắc hoạ nổi bật một hiện tượng, một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người.

* Tóm tắt

Gần một giờ đêm, khi đó, trời mưa tầm tã, nước sông Nhị Hà lên cao, khúc đê làng X không thể chống cự và có nguy cơ sẽ vỡ. Hàng trăm, hàng nghìn người dân đang ra sức chống chọi với sức nước cuồn cuộn. Ấy vậy mà tại một ngôi đình trên một khúc đê gần đó, quan phụ mẫu vẫn ung dung ngồi đánh bài với các quan khác, vẫn thản nhiên quát mắng khi có người báo đê sắp vỡ. Cuối cùng, khi quan ù ván bài thật to cũng là lúc đê bị vỡ, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má, rau màu ngập chìm trong biển nước, người sống không có chỗ ở, người chết không có chỗ chôn.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Văn bản Sống chết mặc bay có thể được chia làm 3 đoạn:

  • Đoạn 1: từ đầu => "khúc đê này hỏng mất" : nguy cơ đê bị vỡ và sự chống đỡ của người dân.
  • Đoạn 2: tiếp => "Điếu, mày!" : sự thờ ơ, vô trách nhiệm, mải mê bài bạc của quan phụ mẫu trước nguy cơ đê vỡ.
  • Đoạn 3: còn lại : Đê vỡ, nhân dân rơi vào cảnh lầm than.

Câu 2:

Phép tương phản (đối lập) trong nghệ thuật là việc tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để qua đó làm nổi bật một ý tưởng bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác phẩm.

a) Hai mặt tương phản cơ bản trong truyện Sống chết mặc bay:

  • Một bên là cảnh nhân dân đang vật lộn, chống chọi hết sức căng thẳng, vất vả với mưa gió, bão lũ.
  • Một bên là viên quan đi hộ đê mà lại ngồi trong chỗ an toàn, nhàn nhã, mải mê bài bạc, coi việc đánh bài là trên hết, mặc dân sống chết, mặc đê vỡ.

b) Phân tích, làm rõ từng mặt trong sự tương phản:

  • Dân hộ đê: gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã, nước dâng cao, một cảnh tượng hết sức nguy kịch, người thì đã kiệt sức mà mưa thì vẫn trút xuống, sức đê đã dần yếu hơn sức nước.
  • Quan phủ nha ung dung bài bạc: trong đình cao ráo, an toàn, vững chãi, không khí tĩnh mịch, trang nghiêm, đường bệ, nguy nga, đang say sưa trong cuộc vui tổ tôm.

c) Qua hai mặt tương phản, hình ảnh tên quan phủ đi "hộ đê" được tác giả khắc họa:

  • Ngồi ở nơi an toàn, đẹp đẽ, lại có người hầu bài
  • Được dùng toàn đồ ngon, vật lạ
  • Tư thế thì đường bệ, ung dung, nhàn nhã như không có chuyện gì xảy ra
  • Không màng đến chuyện đê vỡ, thậm chí còn khó chịu, mắng mỏ khi có người thông báo đê sắp vỡ.
  • Khi quan vui mừng ù ván bài thì cũng là lúc nhân dân rơi vào cảnh thảm sầu.

d) Dụng ý của tác giả trong việc dựng cảnh tương phản này là để so sánh, làm nổi bật sự đối lập. Người phải có trách nhiệm thì lại vô trách nhiệm, mải mê bài bạc. Người dân thì phải đội mưa gió để chống chọi với thiên nhiên trong tuyệt vọng. Cuối cùng, chính sự vô trách nhiệm của viên quan đã dẫn đến cảnh đê vỡ. Quan thì vui mừng vì ù ván bài lớn, người dân thì khổ cực vì nước lụt.

Câu 3:

Trong nghệ thuật văn chương còn có phép tăng cấp (lần lượt đưa thêm chi tiết và chi tiết sau phải cao hơn chi tiết trước), qua đó làm rõ thêm bản chất một sự việc, một hiện tượng muốn nói. Trong Sống chết mặc bay, tác giả đã kết hợp khéo léo phép tương phản và phép tăng cấp để bộc lộ rõ nét tính cách của nhân vật.

a) Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ của trời mưa, của độ nước sông dâng cao, của nguy cơ vỡ đê, của cảnh hộ đê vất vả, căng thẳng của người dân (trong đó có mức độ của tiếng trống đánh, ốc thổi, tiếng người gọi nhau sang hộ đê) là:

  • Mưa mỗi lúc một nhiều
  • Mực nước mỗi lúc càng cao
  • Âm thanh mỗi lúc một ầm ĩ
  • Sức người mỗi lúc một yếu
  • Nguy cơ vỡ đê mỗi lúc một đến gần

b) Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ đam mê bài bạc của tên quan phủ là:

  • Mê bài bạc đến vứt bỏ trách nhiệm
  • Bên ngoài thì ầm ĩ mà vẫn điềm nhiên, nhàn nhã
  • Sung sướng cực độ ù ván bài to trong khi bên dưới đê đã vỡ

c) Tác dụng của sự kết hợp hai nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong việc vạch trần bản chất "lòng lang dạ thú" của tên quan phủ trước sinh mạng của người dân:

Sự kết hợp này đã tố cáo, phê phán hành động ham mê bài bạc và vô trách nhiệm của tên viên quan, y ích kỉ, nhẫn tâm đến mất hết nhân tính.

Câu 4:

* Giá trị hiện thực: Phản ánh sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống của nhân dân với cuộc sống của bọn quan lại, đồng thời, phê phán thói vô trách nhiệm của kẻ đứng đầu trước sinh mạng của người dân.

* Giá trị nhân đạo: Thể hiện niềm cảm thương sâu sắc của tác giả trước cuộc sống lầm than, cơ cực của người dân do thiên tai và do thái độ vô trách nhiệm của bọn cầm quyền lúc bấy giờ.

* Giá trị nghệ thuật: Tác giả đã vận dụng thành công sự kết hợp hai phép nghệ thuật tương phản và tăng cấp. Lời văn sinh động, giàu cảm xúc, miêu tả nhân vật sắc nét.