I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (các em tham khảo phần giới thiệu về tác giả Xuân Quỳnh trong SGK Ngữ văn 7 Tập 1).

2. Tác phẩm

Bài thơ Tiếng gà trưa là một bài thơ ngũ ngôn, được Xuân Quỳnh viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, được in lần đầu trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968). Bài thơ đã gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, của tình bà cháu. Từ đó, nó khắc sâu hơn tình yêu đối với quê hương, với đất nước.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

* Cảm hứng của tác giả trong bài thơ được khơi gợi từ sự việc: trên đường hành quân xa, khi dừng chân nghỉ bên xóm nhỏ, người chiến sĩ nghe thấy tiếng gà nhà ai nhảy ổ.

* Diễn biến mạch cảm xúc trong bài thơ: nghe thấy tiếng gà trưa => gợi cho người chiến sĩ những kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ => nỗi nhớ da diết người bà tần tảo sớm hôm ùa về => nỗi nhớ khắc sâu hình ảnh quê hương, đất nước, thôi thúc người chiến sĩ cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Câu 2:

* Những hình ảnh và kỉ niệm trong tuổi thơ đã được gợi lại từ tiếng gà trưa là:

  • Hình ảnh con gà mái mơ, mái vàng bên ổ trứng hồng
  • Kỉ niệm về một lần tò mò xem gà đẻ và bị bà mắng
  • Hình ảnh người bà đầy lòng thương yêu, chắt chiu từng quả trứng để chăm lo cho cháu
  • Kỉ niệm về niềm vui và mong ước của tuổi thơ: được một bộ quần áo mới từ tiền bán gà của bà

Qua những kí ức tuổi thơ được gợi lại, bài thơ cho ta thấy tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của người cháu nhỏ trong những năm tháng sống cùng bà, đồng thời, biểu lộ tình cảm yêu quý, trân trọng người bà của đứa cháu.

Câu 3:

* Hình ảnh người bà:

  • Tay bà khum soi trứng, chắt chiu từng quả cho con gà mái ấp
  • Mắng cháu khi cháu xem trộm gà đẻ
  • Bà lo lắng, rồi mong sao thời tiết thuận lợi để cuối năm bán được gà, mua được cho cháu bộ quần áo mới

=> Một người bà chịu thương, chịu khó, yêu thương cháu hết mực, dù cuộc sống vẫn còn nhiều lo toan, còn nhiều khó khăn, nhưng bà vẫn chắt chiu từng chút một cho niềm vui của cháu.

* Tình cảm bà cháu: thật sâu nặng và thắm thiết. Bà thương cháu, luôn chắt chiu, dành dụm cho cháu. Còn người cháu thì luôn yêu thương, quý trọng và nhớ về bà. Khi xa quê, hình ảnh sâu đậm nhất trong tâm hồn người cháu chính là hình ảnh bà. Vì bà, vì quê hương, đất nước, đã tiếp thêm động lực cho cháu sẵn sàng cầm súng lên đường bảo vệ tổ quốc.

Câu 4:

Bài thơ được làm theo thể thơ 5 tiếng, nhưng có chỗ được biến đổi khá linh hoạt:

  • Thông thường, mỗi khổ thơ trong bài ngũ ngôn sẽ có 4 câu, nhưng trong bài Tiếng gà trưa, chỉ có ba khổ là 4 câu, những khổ khác có đến 5 hoặc 6 câu, thậm chí khổ đầu tiên còn có 7 câu.
  • Cách gieo vần ở đây cũng rất linh hoạt. Phần lớn vần trong bài thơ là vần cách, có khi không chú trọng đến việc đúng vần mà chỉ cần giữ âm điệu. Mặc dù vậy, đọc bài thơ vẫn rất hài hòa trong mạch cảm xúc của tác giả.
  • Những câu thơ trong bài đều 5 tiếng, riêng câu thơ "Tiếng gà trưa" là 3 tiếng và được lặp lại nhiều lần trong bài ở các khổ thơ. Đây chính là cách để Xuân Quỳnh tạo nên điểm nhấn về cảm xúc. Sau mỗi câu thơ "Tiếng gà trưa" là tác giả lại nhớ về một kỉ niệm quen thuộc. Và chính câu thơ này giúp cho mạch cảm xúc của bài thơ được liền mạch và những hình ảnh gợi về cũng luôn da diết, nồng nàn.