I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả (mời các em tham khảo SGK Ngữ văn 7 tập 1)

2. Tác phẩm

Bài thơ Xa ngắm thác núi Lư là một trong những bài tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của nhà thơ Lí Bạch. Tác phẩm được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Căn cứ vào đầu đề bài thơ và câu thứ hai, căn cứ vào nghĩa của từ "vọng" (trông từ xa" và "dao khan" (nhìn từ xa), ta thấy vị trí đứng ngắm của tác giả là từ xa.

Vị trí này tuy không thể giúp nhà thơ miêu tả được những chi tiết của thiên nhiên, cảnh vật, nhưng lại có lợi thế trong việc quan sát toàn cảnh, miêu tả được những cái hùng vĩ, tự nhiên của thác nước.

Câu 2:

* Câu thơ thứ nhất, tác giả miêu tả hình ảnh thác nước vào lúc mặt trời chiếu rọi ánh nắng:

  • Thác nước bắn tung bọt, hơi nước tỏa ra như sương khói, mặt trời phản ánh sáng sinh ra những khói tía huyền ảo.
  • Thác nước ở trên đỉnh núi giống như một chiếc lò khổng lồ, nghi ngút khói hương trầm tỏa lên bầu trời.

* Hình ảnh được miêu tả trong câu này đã làm nên một cái nền cho bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp được miêu tả cụ thể ở ba câu tiếp theo.

Câu 3:

Những vẻ đẹp khác nhau của thác đã được Lí Bạch phát hiện trong 3 câu tiếp theo.

* Bản dịch thơ không dịch sát câu thơ thứ hai. Câu trong phần phiên âm là "Dao khan bộc bố quải tiền xuyên" (Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước), nhưng phần dịch thơ chỉ là "Xa sông dòng thác trước sông này". Bản dịch thơ này đã làm mất đi chữ "quải" đã được nhà thơ sử dụng rất thần tình. Thác nước cao trông xa như treo trước dòng sông, tựa như một dải lụa khổng lồ. Khi đó, trước mắt ta hiện ra một cảnh tượng thiên nhiên kì vĩ, phi thường. Hình ảnh dòng thác trên nền cảnh ở câu thơ thứ nhất như một bức ảnh mà ở đó, nhà nghệ sĩ đã làm cảnh vật tĩnh lại trong chớp nhoáng, hay còn gọi là lấy tĩnh mà tả động.

* Đến câu thơ thứ 3, hình ảnh dòng thác thoắt chuyển sang trạng thái động: "Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước". Từ "phi" (bay) trong câu này đã góp phần giúp cho khung cảnh trở nên hùng vĩ, ấn tượng mạnh mà vẫn không thiếu sự bay bổng.

Lối nói khoa trương, phóng đại ở câu thơ cuối lại có thể diễn tả được một cách chân thực trạng thái cảm nhận về cái kì vĩ, phi thường. Có thể nói, chẳng có hình ảnh nào diễn đạt hơn được nữa cái sức mạnh nên thơ, như thực mà quá đỗi lạ thường của thác nước trong cái nhìn của thi sĩ như dải Ngân Hà rơi xuống từ chín tầng mây.

Câu 4:

Qua đặc điểm cảnh vật được miêu tả, ta có thể thấy Lí Bạch là một con người có tâm hồn mạnh mẽ, phóng khoáng, ưa thích những cái hùng vĩ, phi thường. Thơ ông còn thể hiện tâm hồn luôn vươn tới tự do, say đắm, tha thiết với vẻ đẹp thiên nhiên. Hơn thế nữa, hình ảnh trong thơ ông thường tươi sáng, bay bổng diệu kì, bộc lộ tình yêu quê hương, yêu đất nước tha thiết.

Câu 5:

Về hai cách hiểu câu thứ 2 (cách hiểu ở phần dịch nghĩa và cách hiểu trong Chú thích (2)). Theo em, chúng ta không nhất thiết buộc người đọc phải hiểu theo cách nào. Bởi vì, dù hiểu theo cách nào, quan trọng là thấy được vẻ đẹp của thác nước - một hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, phi thường.