Câu 1
Quan sát ảnh, trả lời câu hỏi
Bức ảnh chụp cảnh gì? Cảnh có gì đẹp?
Phương pháp giải:
Em quan sát tranh và làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải chi tiết:
Bức ảnh chụp ngôi đền Ăng-co Vát - một công trình kiến trúc và điêu khắc ấn tượng của Cam-pu-chia. Trong ảnh là cảnh những tòa tháp uy nghi cao sững sững giữa nền trời xanh. Xung quanh ngôi đền được bao phủ bởi một rừng cây xanh, chính điều này càng làm cho ngôi đền được làm bằng đá ong thêm phần nổi bật.
Câu 2
Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:
Ăng-co Vát
Ăng-co Vát là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt diệu của nhân dân Cam-pu-chia được xây dựng từ đầu thế kỉ XII.
Khu đền chính gồm ba tầng với những ngọn tháp lớn. Muốn thăm hết khu đền chính phải đi qua ba tầng hành lang dài gần 1500 mét và vào thăm 398 gian phòng. Suốt cuộc dạo xem kì thú đó, du khách sẽ cảm thấy như lạc vào thế giới của nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc cổ đại. Đây, những cây tháp lớn được dựng bằng đá ong và bọc ngoài bằng đá nhẵn. Đây, những bức tường buồng nhẵn bóng như mặt ghế đá, hoàn toàn được ghép bằng những tảng đá lớn đẽo gọt vuông vức và lựa ghép vào nhau kín khít như xây gạch vữa.
Toàn bộ khu đền quay về hướng tây. Lúc hoàng hôn, Ăng-co Vát thật huy hoàng. Mặt trời lặn, ánh sáng chiếu soi vào bóng tối cửa đền. Những ngọn tháp cao vút ở phía trên, lấp loáng giữa những chùm lá thốt nốt xòa tán tròn vượt lên hẳn những hàng muỗm già cổ kính. Ngôi đền cao với những thềm đá rêu phong, uy nghi kì lạ, càng cao càng thâm nghiêm dưới ánh trời vàng, khi đàn dơi bay tỏa ra từ các ngách.
Theo NHỮNG KÌ QUAN THẾ GIỚI
Câu 3
Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải thích:
- Kiến trúc: nghệ thuật thiết kế, xây dựng nhà cửa, thành lũy,...
- Điêu khắc: nghệ thuật chạm trổ trên gỗ đá,...
- Thốt nốt: cây cùng họ với dừa, thân thẳng và cao, lá hình quạt.
- Kì thú: kì lạ và thú vị.
- Muỗm: cây cùng họ với xoài, quả nhỏ và chua hơn.
- Thâm nghiêm: sâu kín, gợi vẻ uy nghiêm.
Câu 4
Cùng luyện đọc
Mỗi em đọc một đoạn, tiếp nối nhau đến hết bài (Chú ý đọc chậm rãi, thể hiện tình cảm ngưỡng mộ, nhấn giọng những từ ngữ ca ngợi vẻ đẹp của Ăng-co Vát)
Câu 5
Thảo luận, trả lời câu hỏi:
1) Ăng-co Vát được xây dựng ở đâu và có từ bao giờ?
2) Khu đền chính đồ sộ như thế nào?
3) Khu đền chính được xây dựng kì công như thế nào?
- Những cây tháp lớn .........
- Những bức tường buồng nhẵn .........
4) Phong cảnh khu đền vào lúc hoàng hôn có gì đẹp?
Phương pháp giải:
1) Đọc kĩ đoạn 1.
2) Khu đền chính gồm mấy tầng? Các tầng đó dài bao nhiêu mét? Có bao nhiêu gian phòng?
3) Em đọc kĩ đoạn văn thứ 2.
4) Em đọc kĩ đoạn văn thứ 3.
Lời giải chi tiết:
1) Ăng-co Vát được xây dựng ở Cam-pu-chia từ đầu thế kỉ thứ XII.
2) Khu đền chính đồ sộ gồm ba tầng với những ngọn tháp lớn, có hành lang dài gần 1500 mét và 398 gian phòng.
3) Khu đền chính được xây dựng kì công:
- Các cây tháp lớn đều xây dựng bằng đá ong và bọc ngoài bằng đá nhẵn.
- Các bức tường buồng nhẵn bóng như mặt ghế đá, được ghép bằng những tảng đá lớn đẽo gọt vuông vức và lựa ghép vào nhau kín khít như xây gạch vữa.
4) Lúc hoàng hôn, khu đền thật đẹp. Ánh sáng của trời chiều soi vào bóng tối cửa đền. Những ngọn tháp lấp loáng giữa các lùm cây. Ngôi đền cao với các thềm đá rêu phong càng trở nên uy nghi, thâm nghiêm dưới ánh chiều vàng.
Câu 6
Thảo luận và viết vào vở câu trả lời: Nội dung chính của bài văn là gì?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
Ca ngợi Ăng-co Vát, một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt diệu của nhân dân Cam-pu-chia
Câu 7
Tìm hiểu về trạng ngữ:
1) Đọc cặp câu sau và cho biết chúng có gì khác nhau?
- Ăng-co Vát thật huy hoàng.
- Lúc hoàng hôn, Ăng-co Vát thật huy hoàng.
2) Chọn câu hỏi ở cột A phù hợp với phần in nghiêng trong câu ở cột B.
Viết vào bảng nhóm kết quả theo mẫu: c - 3
3) Phần in nghiêng được gọi là trạng ngữ. Trạng ngữ bổ sung ý nghĩa gì cho mỗi câu.
Viết vào bảng nhóm câu trả lời.
M: Câu 3) nêu nguyên nhân xảy ra sự việc nói ở chủ ngữ và vị ngữ.
Phương pháp giải:
1) Em đọc kĩ mỗi câu.
2) Em đọc kĩ xem phần in nghiêng cho ta biết thông tin về điều gì rồi ghép nối cho phù hợp.
3) Em làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải chi tiết:
1) Sự khác nhau của cặp câu trên là: ở câu thứ hai có thêm cụm từ “lúc hoàng hôn”, cụm từ này bổ sung ý nghĩa về mặt thời gian, làm rõ nghĩa cho câu.
2)
a - 2
b - 1
c - 3
3) Ở ba câu trên, trạng ngữ bổ sung ý nghĩa khác nhau:
- Câu a nêu nơi chốn xảy ra sự việc nói ở chủ ngữ và vị ngữ.
- Câu b nêu thời gian xảy ra sự việc nói ở chủ ngữ và vị ngữ.
- Câu c nêu nguyên nhân xảy ra sự việc nói ở chủ ngữ và vị ngữ.
Ghi nhớ
1. Trạng ngữ là thành phần phụ của câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân,... của sự việc nêu trong câu. 2. Trạng ngữ trả lời cho các câu hỏi: Khi nào?, Ở đâu?, Vì sao? |
soanvan.me