Câu 1 - Bài văn
Đọc thầm bài văn sau
Cây gạo ngoài bến sông
Ngoài bãi bồi có một cây gạo già xòa tán lá xuống mặt sông. Thương và lũ bạn lớn lên đã thấy những mùa hoa gạp đỏ ngút trời và từng đàn chim lũ lượt bay về. Cứ mỗi năm, cây gạo lại xòe thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh. Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo, vậy mà lá thì xanh mởn, non tươi, dập dờn đùa trong gió. Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy. Bến sông bừng lên đẹp lạ kì.
Chiều nay, đi học về. Thương cùng các bạn ùa ra cây gạo. Nhưng kìa, cả một vạt đất quanh gốc gạo phía mặt sông lở thành hố sâu hoắm, những cái rễ gầy nhẳng nhơ ra, cây gạo chỉ còn biết tì lưng vào bãi ngô. Những người buôn cát đã cho thuyền vào xúc cát ngay ở khúc sông dưới gốc gạo. Cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê.
Thương thấy chập chờn như có tiếng cây gạo đang khóc, những giọt nước mắt quánh lại đỏ đặc như máu nhỏ xuống dòng sông… Thương bèn rủ các bạn lội xuống bãi bồi, lấy phù sa nhão đắp che kín những cái rễ cây bị trơ ra. Chẳng mấy chốc, ụ đất cạo dần, trông cây gạo bớt chênh vênh hơn.
Thương và các bạn hồi hôp chờ sáng mai thế nào cây gạo cũng tươi tỉnh lại, những cái lá xòe ra vẫy vẫy và chim chóc sẽ bay về hàng đàn… Tháng ba sắp tới, bến sông lại rực lên sắc lửa cây gạo, Thương tin chắc là như thế
Câu 2 - Trả lời câu hỏi
1. Những chi tiết nào cho biết cây gạo ngoài bến sông đã có từ lâu ?
a) Cây gạo già ; thân cây xù xì, gai góc, mốc meo ; Thương và lũ bạn lớn lên đã thấy cây gạo nở hoa.
b) Hoa gạo đỏ ngút trời, tán lá tròn vươn cao lên trời xanh.
c) Cứ mỗi năm, cây gạo lại xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh.
2. Dấu hiệu nào giúp Thương và các bạn biết cây gạo lớn thêm một tuổi ?
a) Cây gạo nở thêm một mùa hoa.
b) Cây gạo xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời.
c) Thân cây xù xì, gai góc, mốc meo hơn.
3. Trong chuỗi câu Vào mùa hoa, cây gạo như đám lửa đỏ ngang trời hừng hực cháy. Bến sông bừng lên đẹp lạ kì", từ bừng nói lên điều gì ?
a) Mọi vật bên sông vừa thức dậy sau giấc ngủ.
b) Mặt trời mọc làm bến sông sáng bừng lên.
c) Hoa gạo làm bến sông sáng bừng lên.
4. Vì sao cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê?
a) Vì sông cạn nước, thuyền bè không có.
b) Vì đã hết mùa hoa, chim chóc không tới.
c) Vì có kẻ đào cát dưới gốc gạo, làm rễ cây trơ ra.
5. Thương và các bạn nhỏ đã làm gì để cứu cây gạo ?
a) Lấy cát đổ đầy gốc cây gạo.
b) Lấy đất phù sa lấp kín những cái rễ cây bị trơ ra.
c) Báo cho Ủy ban xã biết về hành động lấy cát bừa bãi của kẻ xấu.
6. Việc làm của Thương và các bạn nhỏ thể hiện điều gì ?
a) Thể hiện tinh thần đoàn kết.
b) Thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.
c) Thể hiện thái độ dũng cảm đấu tranh với kẻ xấu.
7. Câu nào dưới đây là câu ghép ?
a) Chiều nay, đi học về, Thương cùng các bạn ùa ra cây gạo.
b) Cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê.
c) Cứ mỗi năm, cây gạo lại xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời xanh.
8. Các vế câu trong câu ghép "Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo, vậy mà lá thì xanh mởn, non tươi, dập dờn đùa với gió" được nối với nhau bằng cách nào ?
a) Nối bằng từ "vậy mà".
b) Nối bằng từ "thì".
c) Nối trực tiếp (không dùng từ nối).
9. Trong chuỗi câu "Chiều nay, đi học về, Thương cùng các bạn ùa ra cây gạo. Nhưng kìa, cả một vạt đất quanh gốc gạo phía mặt sông lở thành hố sâu hoắm...", câu in nghiêng liên kết với câu đứng trước nó bằng cách nào ?
a) Dùng từ ngữ nối và lặp từ ngữ.
b) Dùng từ ngữ nối và thay thế từ ngữ.
c) Lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ.
10. Dấu phẩy trong câu "Thân nó xù xì, gai góc, mốc meo" có tác dụng gì ?
a) Ngăn cách các vế câu.
b) Ngăn cách trạng ngữ vói chủ ngữ và vị ngữ.
c) Ngăn cách các từ cùng làm vị ngữ.
Phương pháp giải:
1) Con đọc kĩ đoạn văn thứ nhất.
2) Con đọc kĩ đoạn văn thứ nhất.
3) Con hình dung hoa gạo có màu gì? Việc hoa gạo rực nở đã làm bến sông thay đổi như thế nào?
4) Con đọc kĩ đoạn văn thứ 2.
5) Con đọc kĩ đoạn văn thứ 3.
6) Con suy nghĩ và trả lời.
7) Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ - vị trở lên.
8) Con phân tích các thành phần trong câu rồi trả lời.
9) Con đọc câu in nghiêng và câu đứng trước nó rồi chú ý các từ lặp lại hoặc từ thay thế trong câu.
10) Con phân tích các thành phần trong câu và trả lời.
Lời giải chi tiết:
1) ý a: Cây gạo già ; thân cây xù xì, gai góc, mốc meo ; Thương và lũ bạn lớn lên đã thấy cây gạo nở hoa.
2) ý b: Cây gạo xoè thêm được một tán lá tròn vươn cao lên trời.
3) ý c: Hoa gạo làm bến sông sáng bừng lên.
4) ý c: Vì có kẻ đào cát dưới gốc gạo, làm rễ cây trơ ra.
5) ý b: Lấy đất phù sa lấp kín những cái rễ cây bị trơ ra.
6) ý b: Thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.
7) ý b: Cây gạo buồn thiu, những chiếc lá cụp xuống, ủ ê.
8) ý a: Nối bằng từ "vậy mà".
9) ý a: Dùng từ ngữ nối và lặp từ ngữ.
10) ý c: Ngăn cách các từ cùng làm vị ngữ.
Câu 2
Em hãy tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em trong một giờ học mà em nhớ nhất
Phương pháp giải:
- Để bài thuộc thể loại văn tả người, cụ thể là tả cô giáo (hoặc thầy giáo) của em. Ở đây, em cần chú ý là tả cô giáo (thầy giáo) trong một giờ học cụ thể.
- Em cần tả hoạt động của cô giáo (thầy giáo): dạy học, giúp đỡ học sinh. Qua các cử chỉ, hoạt động đó, em có thể nêu lên những cảm nhận của em về tính cách của cô giáo (thầy giáo) ấy, những tình cảm sâu sắc của em với thầy cô.
Lời giải chi tiết:
“Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con”
Giọng đọc trầm ấm, truyền cảm của cô Dung ngày hôm ấy khi dạy bài tập đọc Sang năm con lên bảy lại thi thoảng lại vang lên trong tâm trí em. Cô Dung là cô giáo dạy em môn Tiếng Việt từ hồi lớp 4 cho tới bây giờ. Mỗi một bài giảng của cô đều khiến chúng em hiểu bài một cách sâu sắc và thêm yêu văn chương. Trong đó bài Sang năm con lên bảy , hình ảnh cô đang say sưa giảng bài, thực sự là một tiết học mà em không sao quên được.
Giờ học ngày hôm ấy cô Dung mặc một chiếc áo dài màu trắng tím vừa nhẹ nhàng, thanh thoát lại dịu dàng. Mái tóc dài đen mượt của cô được cô tết lại một nửa, vừa gọn gàng lại không làm mất đi nét nữ tính. Đôi dép cao gót lại càng làm tôn lên dáng người cao dáo, mảnh khảnh của cô. Cô đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, từ bục giảng xuống dưới tỉ mỉ quan sát chúng em học hành. Cô có đôi mắt to và đen, mỗi lần cô giảng bài em thích nhìn vào mắt cô, thấy long lanh lấp lánh như có cả ngàn sao trong đôi mắt. Khuôn miệng cô chúm chím, cô chỉ cần cười lên là mọi căng thẳng, áp lực vì việc học của chúng em cũng vì thế mà tan biến đi.
Tiết học ngày hôm ấy học bài thơ Sang năm con lên bảy, vẫn như mọi lần cô viết từng nét chữ to, rõ ràng trên đề bài và nội dung bài học. Một tay cô cầm quyển sách, một tay cô cầm viên phấn, giọng nói truyền cảm bắt đầu cất lên, giảng cho chúng em biết bao điều hay ở trong bài thơ. Những hình ảnh tuổi thơ trong sáng, thuần khiết hiện ra, rồi cả những đổi thay khi mỗi chúng ta đã trưởng thành tất cả đều như được hiện lên thật sinh động thông qua những lời cô giảng. Em vừa cặm cụi ghi chép, vừa muốn ghi nhớ tất cả những lời cô nói vào trong đầu. Cô say sưa giảng bài cho chúng em, mải miết đưa từng nét phấn trên bục giảng, rồi lại tới tận nơi xem bài vở của chúng em, có gì thắc mắc cần giải đáp không. Lúc này trên trán cô vài sợi tóc thấm mồ hôi, dính cả lại vào trán, nhưng dường như cô không hề chú ý tới điều đó. Trên bục giảng, từng hạt phấn rơi rơi, rơi trên tóc cô, rồi vương cả lại trên chiếc áo dài. Hình ảnh ấy khiến em thực sự rất xúc động, cô say sưa giảng bài cho chúng em mà không hề mảy may chú ý gì tới bản thân mình.
Hình ảnh cô Dung khi đang giảng bài mãi là hình ảnh xúc động và khắc sâu vào trong tâm trí em. Mai này rời xa mái trường em sẽ chẳng thể nào quên những ngày tháng miệt mài học tập, nhớ mãi hình ảnh cô Dung say sưa giảng bài cho chúng em, nhớ giọng nói trầm ấm, truyền cảm của cô, nhớ cả từng hạt phấn vương trên mái tóc, vương trên quần áo cô.
soanvan.me