Dàn ý
A. Mở bài: Giới thiệu về con đường sẽ tả: Nằm ở vị trí nào? Tên đường? Có gì đặc biệt?
B. Thân bài:
- Tả bao quát về con đường:
+ Chạy qua những đâu?
+ Thuộc loại đường đất hay đá hay tráng nhựa?
+ Tình trạng chung của con đường?
+ Đặc điểm nổi bật của con đừơng?
- Tả cụ thể: Những đoạn chính của con đường? Những nét nổi bật (về hình dáng, kích thước, dáng vẻ, cảnh vật) về đoạn đường có nhiều kỉ niệm đối với em?
C. Kết bài: cảm nghĩ của em về con đường.
Bài siêu ngắn
Đến thăm Hồ Tây, bạn nên dạo bước trên đường Thanh Niên. Xưa kia là đường Cổ Ngư, đầu năm 1960 được đổi tên là Thanh Niên - con đường xanh của liễu xanh Kinh kì. Ta hãy dạo quanh hồ Trúc Bạch, ghé vào thăm đền Quán Thánh, chiêm ngưỡng tượng Trấn Vũ bằng đồng đen, uy nghi và hùng vĩ nhất của đất nước Đại Việt
Tản bộ trên đường Thanh Niên, ta dõi nhìn về phía xa là phủ Tây Hồ, nơi ngày xưa Trạng Bùng kì ngộ Liễu Hạnh giai nhân, rồi ta lặng ngắm hàng cau trầm mặc nơi vườn chùa Trấn Quốc.
Khi hoàng hôn đỏ rực, đứng trên đường Thanh Niên trong bóng liễu rủ, mắt ta gặp mây trời sà xuống Hồ Tây như níu giữ những lá thuyền thoi bập bềnh trong khói sóng.
Tiếng chuông chùa gần xa ngân buông như những giọt ngọc trong veo từ trời cao rót xuống. Chân ta nhẹ bước mà hồn ta chơi vơi. Sóng nước Hồ Tây lao xao, con cá quẫy trăng, làn sương chiều êm dịu. Lá liễu reo thì thầm. Mùa xuân đã về rồi đó.
Các bài tham khảo
Bài tham khảo 1:
Ngõ Phất Lộc ăn thông từ Hàng Mắm sang phố Nguyễn Hữu Huân - phố Bắc Ninh cũ - thêm một nhánh ăn thông Lương Ngọc Quyến. Ông giám sinh họ Bùi làng Phất Lộc huyện Đông Quan Thái Bình lên đây dựng lều trọ học. Rồi thành xóm thành làng, thành tên ngõ đã mấy đời, chỉ còn đền thờ và ngôi chùa cổ nhưng hoang phế nửa phần. Kháng chiến chống Pháp, Phất Lộc là trung tâm của khu Một, từng đón hoa đào Nhật Tân vào ăn Tết, từng uống lẫn cả Uytki, Canh kina Con Mèo với nước giếng, là thứ giải khát của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Dân tản cư còn đeo kiềng vàng, hoa hột nhưng ngủ trên cánh cửa bức bàn ngả ra, đầu gối bằng tay nải.
Không trầm tư, không u uẩn. Đời thường đã xâm nhập khá nhiều vào Phất Lộc. Nhà đá rửa, ban công bên này sắp chạm ban công bên kia. Đầu ngõ đủ hàng quà: bánh cuốn, cà phê, bún mọc, phở gà, cháo tim gan... cả chè chén "nước mưa"... Tiếng xe lên xuống cầu Chương Dương rất rõ, Phất Lộc không còn im lặng hoài niệm như thời xa xưa.
Tạt vào đây, xuyên qua ngõ chữ chi, nhà hai bên như vừa quen vừa lạ, phố chật người đông hòa cùng rêu phong cổ kính. Phất Lộc có vào tranh Bùi Xuân Phái không nhỉ ? Ngõ sống mãi nhờ họa sĩ hay họa sĩ sẽ bất tử nhờ vào nét riêng biệt độc đáo của ngõ ? Trụ cột trên nóc nhà, tường khấp khểnh nhấp nhô, nhà thò ra thụt vào, đường đi lắt léo, cái nậm rượu cửa chùa bằng xi măng dấp bẹt trông thẳng thì đầy rượu, trông nghiêng chỉ là mảnh bìa.. đã thành một mảng tâm hồn Hà Nội hào hoa mà anh dũng, lam lũ mà kiên cường, đắm say mà dữ dội...
Xin một lần ghé thăm để đừng quên là Hà Nội vẫn còn nhiều ngõ nhỏ rất riêng Hà Nội, như tâm hồn ta vẫn còn những khoảng sâu lắng đôi khi mới có dịp lần giở đến... vào một hôm nào trở gió...Hà Nội còn bao nhiêu ngõ như Tràng An, Phất Lộc ? Còn ai là người sửng sốt khi gặp ngõ như gặp hoa lạ giữa rừng, gặp người yêu xa lâu đúng lúc mình không chờ đợi.
Mong sao những ngõ nhỏ ấy, những góc sâu trong tâm hồn ấy đừng bị những ào ạt của xây dựng phá phách, xâm lăng mất, cần bảo tồn lắm.
Bài tham khảo 2:
Đường ơi! Đường có nhận ra em không? Em là “Tí con” đây mà. Hôm nay, sau mấy tháng hè lên tỉnh học với bố, em lại được đặt đôi bàn chân nhỏ lên mặt đường làng mát rượi thân thương.
Đây rồi! Bắt đầu con đường làng em đó. Cây đa già sừng sững trên bờ để như một người lính gác đầu đoạn đường. Từ đó, đường đổ dốc xuống, chạy qua giữa làng làm ranh giới cho hai xóm. Mặt đường vào làng không rộng lắm, chỉ vừa một xe trâu đi. Những phiến đá to gần bằng mặt bàn nước, xếp hàng tư lát dọc mặt đường cho đến hết làng. Mặt đá trơn mòn dưới nắng mưa, nổi vân màu chì ngang dọc. Nhiều chỗ, mặt đá lõm xuống như lòng mâm. Hai bên đường, biết ngay cổng từng nhà. Phiến đá to nhất kia nhẵn bóng, đủ vẽ ba bốn "bàn cờ chân chó”, đó là cổng nhà cậu Toàn. Phiến đá màu trắng ngà, nổi vân như đầu con rồng, là cổng nhà thầy Hoán dạy em năm ngoái. Còn kia kìa, phiến đá vuông vuông, xanh ghi ấy là cổng nhà em.
Vui nhất là vào những lúc chiều tà, trâu bò thả ở ven đê đi về làng, gõ móng côm cốp trên mặt đường. Xe trâu, xe cải tiến lóc cóc lăn bánh, xe đạp thồ lúc xuống dốc nhảy tưng tưng, qua các phiến đá trên mặt đường. Những tối có trăng, mặt đường như khiến khăn sọc trắng vắt qua vai làng em. Dưới ánh trăng, chúng em chơi trốn tìm, đánh trận giả trên cái nền trăng trắng nhờ nhờ ấy.
Ra khỏi làng, đường nhỏ gọn lại dưới vòm cây phi lao hai bên. Đường rải đá chạy qua cánh đồng. Đường hoà vào đường lớn lên huyện, lên tỉnh, đi mãi, đi mãi như chẳng biết mỏi chân. Đường đã đưa bao người quê em ra đi. Đường cũng đón bao người trở về. Dù có đi tận đâu, chẳng người nào ở làng em lại quên được đoạn đường lát đá quen thuộc ấy. Bởi vì, mỗi phiến dá nơi đây đã từng nâng đỡ những bước đi lẫm chẫm đầu tiên của đời mình.
Bài tham khảo 3:
Con đường mà tôi yêu thích, thường đi là con đường Nguyễn Trường Tộ.
Buổi sáng, ngồi trong nhà, tôi đã nghe thấy tiếng xe cộ rộn rịp và từng nhóm học sinh gọi nhau í ới khiến con đường trở nên đông vui, náo nhiệt. Tôi bước ra ngoài hiên nhìn xuống, mặt đường không rộng lắm, đôi chỗ lại còn có những cái ổ gà lồi lõm. Tôi nghĩ rằng bao nhiêu cái ổ gà đó là bấy nhiêu nỗi đau thương mà đường đã gánh chịu suốt mấy năm ròng. Đường khoác một chiếc áo màu xám trắng. Thỉnh thoảng những ô vuông màu vàng được các bác thợ sửa đường đắp lên trông giống như những miếng vá, nổi bật lên trên “chiếc áo” màu xám ấy...
Ánh nắng xuyên qua các kẽ lá, chiếu xuống mặt đường thành những đốm sáng lung linh. Hai hàng long não xanh um vẫy những chùm lá tươi non như những bàn tay trẻ con bé xíu chào đón khách qua đường. Trên cành cây, các chú chim bắt đầu dạo lên khúc nhạc buổi sáng tuyệt vời. Tôi vui vui cắp sách đến trường, lòng nhẹ nhàng thanh thản. Lòng đường đầy ắp tiếng cười nói của các bạn học sinh. Những chiếc khăn quàng đỏ thắm bay bay trong gió tô điểm cho chiếc áo của đường thêm rực rỡ. Thỉnh thoảng một chiếc ô tô chạy vụt qua trước mặt mọi người, để lại phía sau đám bụi mịt mù sau ngả đường ngoặt. Những cây long não hai bên đường xoè rộng tán lá như muốn ôm tôi vào lòng, chia sẻ nỗi niềm cùng tôi. Các chú bướm sặc sỡ rập rờn bay lượn trong thảm cỏ xanh mượt bên đường. Làn gió nhẹ nhàng mơn man trên da thịt cùng với mùi hương dịu ngọt của hoa lá như chúc tôi bước vào một ngày học mới đầy hứa hẹn.
Con đường Nguyễn Trường Tộ đối với tôi như một người bạn thân, cùng chia ngọt, sẻ bùi, ngày mưa cũng như ngày nắng. Nó gắn liền với ngày thơ ấu của tôi với những kỉ niệm tươi đẹp và trong sáng của tuổi học trò. Và cũng từ con đường này, tôi sẽ đến cuộc đời rộng lớn ở phía trước đang chờ đợi.