Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải biết giữ gìn vệ sinh.
Vệ sinh là những biện pháp phòng bệnh, giữ gìn và tăng cường sức khỏe. Sống sạch sẽ. khoa học và văn minh là cách sống vệ sinh.
Vệ sinh bao gồm: vệ sinh thân thể, ăn ở vệ sinh, ăn uống vệ sinh; vệ sinh trong sinh hoạt, vệ sinh trong lao động, vệ sinh cá nhân, vệ sinh công cộng, vệ sinh môi trường. Đó là những điều mà ai cũng cần biết, cần thực hiện, cần giữ gìn khi nói tới vấn đề vệ sinh.
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống. Đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Thường xuyên tắm rửa, gội đầu, giặt giũ áo quần sạch sẽ. Không ăn quá no, không nghiện ngập, không rượu chè bê tha. Biết ăn, ngủ, chơi bời, học hành, lao động có điều độ. Sống như thế là biết giữ gìn vệ sinh. Nhà ở, cơ quan, trường học, bệnh viện.... phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp. Chúng ta nên nhớ câu tục ngữ “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.
Vệ sinh cá nhân chưa đủ mà còn phải biết giữ gìn vệ sinh chung như góp phần gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Không xả rác lung tung. Không khạc nhổ, phóng uế bừa bãi. Không làm ô nhiễm bầu khí quyển, làm ô nhiễm sông hồ, nguồn nước. Phải biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như trường học, bệnh viện, phố xá, công viên, các di tích lịch sử, văn hóa...
Học hành cũng phải biết giữ gìn vệ sinh, từ cách đọc sách, học bài đến cách ngồi, cách viết. Tại sao có nhiều học sinh bị cận thị? Tại sao có nhiều học sinh hay ốm vặt, hay uể oải, chóng mặt? Tại sao có nhiều thanh thiếu niên thân thể bẩn thỉu, tóc tai bù xù, áo quần luộm thuộm?...
Có người phàn nàn văn hóa công cộng của dân ta còn thấp kém. Họ chê một số người không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, hay khạc nhổ, xả rác bừa bãi.
Giữ gìn vệ sinh chung để được sống khỏe, sống đẹp, sống có văn hóa. Giữ gìn vệ sinh là vấn đề thiết thực đối với mọi người. Học sinh phải biết thực hiện lời Bác Hồ đã dạy “Giữ gìn vệ sinh thật tốt".
soanvan.me