Câu 1
Đọc thuộc lòng hai bài thơ Ngắm trăng và Không đề cho người thân nghe.
Câu 2
Cùng người thân sưu tầm (tìm đọc hoặc nghe kể) một câu chuyện về tinh thần lạc quan, yêu đời.
Gợi ý:
1/ Chuyện của Bác Hồ
Tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống là nguồn sức mạnh, nguồn động lực có thể giúp mỗi chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách và vươn tới thành công. Tinh thần lạc quan của Bác Hồ trong những ngày bị giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch là một ví dụ như thế:
Tháng 8 năm 1942, trên đường đi công tác từ Cao Bằng sang Trung Quốc, Bác Hồ đã bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị giải qua mấy chục nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Chính trong thời gian bị tù đày này Bác Hồ đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật kí trong tù) với hơn một trăm bài thơ. Đọc tập thơ này, chúng ta thấy rất rõ tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác Hồ kính yêu.
Cuộc sống trong tù rất gian khổ. Bác đã ghi lại nỗi gian khổ đó trong nhiều bài thơ như: Cơm tù, Cái cùm, Giải đi sớm. Ghẻ lở, Bốn tháng rồi... Qua các bài thơ này ta thấy Bác đã bị xích xiềng, bị bệnh tật, bị đói khát thế nhưng từ trong mỗi một dòng thơ ta không hề thấy một lời kêu van, khổ sở nào của Bác. Tất cả những khốn khó ấy đều được Bác đón nhận với một tâm thế vô cùng bình thản:
Bốn tháng cơm không no
Bốn tháng đêm thiếu ngủ
Bốn tháng áo không thay
Bốn tháng không giặt giũ
Cho nên:
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc thỏm mấy phần
Gầy đen như quỷ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân
Tuy nhiên, giữa chốn địa ngục ở trần gian ấy, Bác vần giữ vững được tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng đó thể hiện ở thái độ ung dung ngắm trăng:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Ở tư thế hào hứng đón nhận cảnh bình minh:
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng
Bác suy nghĩ về hoàn cảnh bị giam cầm của mình và thấy:
Ví không có cảnh đông tàn
Làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân?
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng
Bác coi gian khó, tù đày cũng như mùa đông lạnh giá. Mùa đông lạnh giá rồi cũng sẽ qua đi và mùa xuân rực rỡ tươi đẹp sẽ tới. Những ngày tối tăm tù ngục rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ có ngày Bác lại được tự do đấu tranh cho cách mạng dân tộc và nhất định Người sẽ cùng cả đất nước Việt Nam đi tới thắng lợi như đi tới một mùa xuân mới.
Đó chính là lòng lạc quan, yêu đời, tin tưởng ở thắng lợi của Bác Hồ. Thực tế thắng lợi lớn lao của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần lạc quan, tin tưởng của Người là có cơ sở thật vững chắc. Mỗi chúng ta đều cần phải học tập tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác để tiến lên.
2/ Chuyện về anh Nguyễn Văn Trỗi
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lí sinh ra...
Vâng! Con người như chân lí sinh ra chính là những người anh hùng đã hi sinh vì sự nghiệp tự do, dộc lập của nước nhà. Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe nói về một người thợ điện Sài Gòn đã đặt bom giết tên bộ trưởng Mac-na-ma-ra.
Anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, anh vào Sài Gòn kiếm sống. Hàng ngày anh phải chứng kiến cảnh bọn lính Mĩ đi lại nghênh ngang trên dất Sài Gòn, ăn chơi phè phỡn trong các quán bar. Cảnh những người dân cực khổ chết chóc dưới làn bom rơi lửa đạn. Anh rất căm thù bọn chúng và anh đã tình nguyện tham gia vào một tổ chức cách mạng của học sinh, sinh viên miền Nam.
Hồi ấy, bộ trưởng Mac-na-ma-ra sang thăm Sài Gòn, anh Trỗi được giao nhiệm vụ đặt bom trên cầu Công Lí nhằm giết chết tên bộ trưởng quốc phòng này. Nhưng do sơ hở, quả bom không nổ, tên bộ trưởng thoát nạn, anh bị bắt. Chúng như điên như dại tra tấn anh hết sức dã man. Trước khí tiết hiên ngang của anh, chẳng có dụng cụ tra tấn nào có thể khuất phục nổi, bọn chúng đã đưa anh ra tòa án và kết án tử hình.
Đúng ngày 15 tháng 10 năm 1964, bọn chúng đưa anh ra pháp trường tại nhà lao Chí Hòa. Với bộ quần áo trắng tinh khiết, anh hiên ngang bước ra trường bắn. Bọn giặc bịt mắt anh, anh giật phăng tấm vải đen che mắt. Cố đạo đòi rửa tội cho anh, anh thét lớn: "Tôi không có tội, người có tội chính là bọn đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai miền Nam". Trước giây phút thiêng liêng, anh mở mắt nhìn bầu trời xanh cao rộng, anh hi vọng đất nước sẽ có một ngày giải phóng, bọn đế quốc Mĩ phải cút khỏi nước ta và cũng chính giờ khắc này anh đã gọi tên Bác đến ba lần:
- Hồ Chí Minh muôn năm!
- Hồ Chí Minh muôn năm!
- Hồ Chí Minh muôn năm!
Viên đạn của kẻ thù đã cắt ngang lời hô của anh. Anh hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh đã công hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tuy anh Trỗi đã mất đi, nhưng tên tuổi của anh mãi mãi ghi sâu trong tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam. Nguyện noi gương anh, chúng tôi quyết học tập, và tu dưỡng đạo đức tốt để trở thành người có ích cho nước nhà.
soanvan.me