Sự tồn tại và phát triển của một đất nước từ xưa đến nay đều do những nhân tài mà có được. Một đất nước hưng thịnh là do những nhân tài tạo nên. Chính vì vậy mà Mặc Tử (một nhà triết học xưa của Trung Quốc) đã nói: “Đất nước càng có nhiều nhân tài, đất nước càng hưng thịnh”.

Lời nói trên của Mặc Tử là một chân lý hiển nhiên, không thể chối cãi được, bởi không có người tài thì làm sao ta có thể dựng nước và giữ nước được. Điều này đã được chứng minh một cách hùng hồn trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc ta. Thời nhà Lí, đất nước đứng trước nạn bị giặc Tống xâm chiếm, người tài Lí Thường Kiệt đã xuất hiện đánh tan quân Tống, giữ vững quyền độc lập, tự chủ của dân tộc. Đến thời Trần, quân Nguyên Mông lại ào ạt kéo sang nước ta, muốn biến đất nước ta thành châu, thành quận, thành huyện của bọn chúng thì đất nước ta lúc bấy giờ lại xuất hiện Trần Hưng Đạo - một nhân tài quân sự - đã lãnh đạo quân và dân ta đánh tan quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi. Đến thời nhà Hồ, nhân việc “chính sự phiền hà” quân Minh thừa cơ gây họa, chúng ồ ạt mang quân sang xâm lược nước ta, vơ vét tài nguyên của đất nước ta, áp ức, bóc lột đồng bào ta tận xương tủy:

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

 Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ

Dối trời, lừa dân đủ muôn nghìn kế

Gây binh kết oán trải hai mươi năm

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời

Nặng thuế khóa sạch không đầm núi

Người bị ép xuổng biển còng lưng mò ngọc

Ngán thay cá  mập, thuồng luồng

Kè bị đem vào núi đãi cắt tìm vàng

Khốn nỗi rừng sâu nước độc...

(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của đất nước lúc bấy giờ thì lại xuất hiện người anh hùng áo vải Lam Sơn Lê Lợi đã lãnh đạo quân và dân ta chống quân Minh và đã đưa cuộc kháng chiến ấy đến thắng lợi hoàn toàn. Đất nước sạch bóng quân thù, nền độc lập tự chủ của đất nước lại một lần nữa được khẳng định.

Bọn phong kiến phương Bắc đã bao lần xâm chiếm đất nước ta và đã bị quân dân ta nhiều lần đánh cho tơi bời xiêm giáp, nhưng chúng vẫn không bỏ mộng bành trướng về phương Nam. Đến cuối triều đại nhà Lê, Lê Chiêu Thống vì chiếc ngai vàng mục nát đã hèn nhát cõng rắn cắn gà nhà để đất nước ta rơi vào tay quân Thanh xâm lược. Trước hoàn cảnh tăm tối của đất nước lúc bây giờ thì người anh hùng áo vải Tây Sơn Nauyễn Huệ lại xuất hiện. Với thiên tài quân sự kiệt xuất, điều binh khiển tướng như thần, Nguyễn Huệ đã có một cuộc tiến binh thần tốc ra Bắc để tiêu diệt hơn hai mươi vạn quân Thanh giành độc lập về cho đất nước.

Rồi chiến tranh lại nổ ra, kẻ thù từ phương Tây đến, với vũ khí hiện đại, có tiềm năng kinh tế  chúng muốn cướp đất nước ta, đặt ách cai trị lâu dài lên đất nước ta thì thiên tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lại xuất hiện. Người đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao hy sinh gian khổ để đưa sự nghiệp cách mạng đến ngày toàn thắng, đất nước được thống nhất và đang vươn mình lên một cách mạnh mẽ với bè bạn khắp năm châu.

Như vậy, không có người tài thì làm sao giữ được đất nước. Hơn nữa không có người tài thì làm sao làm cho đất nước hưng thịnh được. Người tài càng nhiều thì đất nước càng hưng thịnh. Trong một đất nước mà có nhiều thầy, cô giáo giỏi thì mới đào đưực những người học trò giỏi, nhiều kỹ giỏi, nhiều bác sĩ giỏi, nhiều nhà khoa học giỏi... Những con người tài giỏi này sẽ đem những kiến thức của mình để phục vụ đất nước thì đất nước sẽ ngày càng hưng thịnh. Những nước ngày nay trở thành cường quốc trên thế giới là những nước ấy có người lãnh đạo tài ba, có những nhà khoa học lớn, đem những kiến thức khoa học vào đời sống để phục vụ đời sống làm cho cuộc sống của con người nhẹ nhàng hơn, sung sướng hơn, của cải vật chất dồi dào hơn. Cuộc sống của người dân trong một đất nước có giàu sang sung sướng thì đất nước đó ngày càng mạnh và càng hưng thịnh hơn. Ngược lại, trong một đất nước mà những người lãnh đạo không có tài năng, không biết quý trọng chất xám, lãng phí chất xám thì đất nước ấy sẽ trì tuệ, chậm tiến và lạc hậu.

Tóm lại, nhân tài là yếu tố chính để làm đất nước hưng thịnh. Câu nói của Mặc Tử mãi mãi là lời nhắc nhở cho những người lãnh đạo, quản lí và xây dựng đất nước. Muốn làm cho đất nước ngày càng hưng thịnh, những nhà lãnh đạo phải biết trân trọng, quan tâm đặc biệt đến đời sống tinh thần và vật chất của những con người có tài năng, đức độ; phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng và tạo mọi điều kiện để nhân tài ấy phát triển, cống hiến chất xám của mình cho đất nước thì đất nước sẽ hưng thịnh. Nhân tài càng nhiều, đất nước càng hưng thịnh.

soanvan.me