Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)

Câu 1. Công hội được công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập vào năm 1920 do ai đứng đầu?

A. Nguyễn Ái Quốc.

B. Tôn Đức Thắng.

C. Nguyễn Phan Long.

D. Bùi Quang Chiêu.

Câu 2. Một trong những phong trào đấu tranh tiêu biểu của tầng lớp tiểu tư sản trí thức giai đoạn 1919 – 1926 là

A. phong trào chống độc quyền cảng Sài Gòn.

B. phong trào “chấn hưng nội hóa”.

C. phong trào chống độc quyền xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì.

D. phong trào đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu.

Câu 3. Sự kiện nào diễn ra vào năm 1925 đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam?

A. Tiếng bom của Phạm Hồng Thái tại Sa Diện.

B. Cuộc đấu tran đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu.

C. Cuộc bãi công của thợ máy Bason thắng lợi.

D. Công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập Công hội.

Câu 4. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng đặc điểm của Đảng Lập hiến (1923)?

A. Do Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long thành lập.

B. Là tổ chức chính trị đại diện cho tiểu tư sản trí thức.

C. Đảng tập hợp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.

D. Đảng đưa ra một số khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ.

Câu 5. Một trong những sự kiện quan trọng thúc đẩy phong trào công nhân Việt Nam phát triển lên một bước cao hơn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là gì?

A. Cuộc đấu tranh của công nhân thủy thủ Trung Quốc.

B. Cuộc bãi công của công nhân Bason.

C. Sự đoàn kết chặt chẽ của nhân dân ba nước Đông Dương.

D. Phong trào đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động.

Câu 6. Phong trào đấu tranh của tư sản dân tộc trong những năm 1919 - 1925 nhằm mục tiêu chủ yếu là đòi quyền lợi về

A. chính trị.                       bB. văn hóa.

C. quân sự.                         D. kinh tế.

II. TỰ LUẬN (4 điểm)

Nêu đặc điểm của phong trào dân tộc dân chủ công khai ở nước ta sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

B

D

C

B

A

D

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 60.

Cách giải:

Ngay từ năm 1920, công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn đã thành lập Công hội (bí mật) do Tôn Đức Thắng đứng đầu.

Chọn: B

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 60.

Cách giải:

Trong phong trào dân chủ công khai hồi đó có hai phong trào đấu tranh tiêu biểu của tầng lớp tiểu tư sản trí thức là: cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả Phan Bội Châu (1925) và đám tang Phan Châu Trinh (1926).

Chọn: D

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 61.

Cách giải:

Cuộc bãi công của công nhân Bason thắng lợi đã đánh dấu một bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam – giai cấp công nhân nước ta từ đây bước đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và mục đích chính trị rõ ràng.

Chọn: C

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 60, suy luận.

Cách giải:

Đảng Lập hiến được Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long thành lập để tập hợp lực lượng, đưa ra một số khẩu hiệu đòi tự do dân chủ để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng nhằm gây áp lực với thực dân Pháp, nhưng lại sẵn sàng thỏa hiệp khi được chúng ban phát cho một số quyền lợi.

-> Đáp án B: đây là đảng do một số tư sản và địa chủ lớn ở Nam Kì thành lập.

Chọn: B

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 60, suy luận.

Cách giải:  

Trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Hoạt động của tổ chức Công hội do Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920 ở Sài Gòn.

- Các cuộc đấu tranh của công nhân, thủy thủ Pháp và công nhân thuỷ thủ Trung Quốc ở các bến cảng lớn như Hương Cảng, Thượng Hải... (1921).

-> Những sự kiện này có tác dụng cổ vũ, động viên công nhân Việt Nam đấu tranh và là nguyên nhân làm cho phong trào công nhân nước ta phát triển lên một bước cao hơn sau chiến tranh.

Chọn: A

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 59-60, suy luận.

Cách giải:

Trong những năm 1919 – 1925, các phong trào đấu tranh của tư sản dân tộc chủ yếu là đòi quyền lợi về kinh tế. Các phong trào như: “chấn hưng nội hóa”, “bài trừ ngoại hóa” hay chống độc quyền cảng Sài Gòn và xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì của tư bản Pháp đều xoay quanh quyền lợi kinh tế. Chính vì thế, khi được thực dân Pháp ban cho một số quyền lợi như cho tham gia hội đồng quản hạt ở Nam Kì thì họ lại thỏa hiệp với Pháp.

Chọn: D

II. TỰ LUẬN

Phương pháp: sgk trang 59, 60, nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

- Mục tiêu đấu tranh: chống cường quyền, áp bức, đòi các quyền tự do, dân chủ.

- Lực lượng tham gia: đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp tư sản dân tộc và các tầng lớp tiểu tư sản trí thức.

- Hình thức đấu tranh: phong phú, đa dạng như: biểu tình, mít tinh, dùng báo chí, thành lập các tổ chức chính trị,…

- Quy mô: diễn ra trên phạm vi cả nước, chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn,...

- Các phong trào đấu tranh tiêu biểu:

+ Giai cấp tư sản dân tộc: phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa (1919); đấu tranh chống độc quyền cảng Sài Gòn và độc quyền xuất cảng lúa gạo Nam Kì của tư bản Pháp (1923);…

+ Các tầng lớp tiểu tư sản trí thức: thành lập các tổ chức chính trị (Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên,…); xuất bản những tờ báo tiến bộ (Chuông rè, An Nam trẻ,…); sự kiện tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái (6 - 1924);…

soanvan.me