Đề bài

A. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3 điểm) Chọn đáp án đúng

Câu 1: Chọn nhận xét sai.

A. Trong hiện tượng đối lưu có hiện tượng nở vì nhiệt.

B. Trong hiện tượng đối lưu có sự truyền nhiệt lượng từ vật có nhiệt độ cao sang vật có nhiệt độ thấp hơn.

C. Trong hiện tượng đối lưu có hiện tượng cơ học: lớp nước nóng trồi lên, lớp nước lạnh tụt xuống.

D. Sự đối lưu xảy ra khi hai vật rắn có nhiệt độ khác nhau tiếp xúc với nhau.

Câu 2: Bỏ vài hạt thuốc tím vào một cốc nước, thấy nước màu tím di chuyển thành dòng từ dưới lên trên. Lí do nào sau đây là đúng?

A. Do hiện tượng truyền nhiệt.

B. Do hiện tượng dẫn nhiệt.

C. Do hiện tượng bức xạ nhiệt.

D. Do hiện tượng đối lưu.

Câu 3: Trong các vật nào sau đây có thế năng đàn hồi:

A. Viên đạn đang bay.

B. Lò xo để ở một độ cao so với mặt đất.

C. Hòn bi đang lăn trên mặt phẳng nằm ngang.

D. Lò xo bị ép nằm trên mặt phẳng nằm ngang.

Câu 4: Thả một hòn bi sắt vào cốc nước nóng thì

A. nhiệt năng của hòn bi sắt tăng.

B. nhiệt năng của hòn bi sắt giảm.

C. nhiệt năng của hòn bi sắt không thay đổi.

D. nhiệt năng của nước tăng.

Câu 5: Năng lượng từ Mặt Trời truyền xuống Trái Đất bằng hình thức:

A. đối lưu.

B. bức xạ nhiệt

C. dẫn nhiệt qua chất khí.

D. sự thực hiện công của ánh sáng.

Câu 6: Thác nước đang chảy từ trên cao xuống, những dạng năng lượng mà nước có được là:

A. Động năng và thế năng.

B. Động năng và nhiệt lượng

C. Thế năng và cơ năng.

D. Động năng, thế năng và nhiệt năng

Câu 7: Sự dẫn nhiệt không thể xảy ra đối với môi trường là:

A. chân không.

B. chất rắn.

C. chất lỏng.

D. chất khí.

Câu 8: Tính chất nào sau đây không phải là tính chất của chuyển động của phân tử chất lỏng

A. Hỗn độn.

B. Không liên quan đến nhiệt độ.

C. Không ngừng.

D. Là nguyên nhân gây ra hiện tượng khuếch tán.

Câu 9: Có cách nào làm thay đổi nhiệt năng của vật

A. Thực hiện công.

B. Truyền nhiệt.

C. Cả hai cách trên.

D. Cả hai cách trên đều không được.

Câu 10: Đối lưu là hình thức truyền nhiệt chủ yếu ở môi trường nào?

A. Lỏng và khí.

B. Lỏng và rắn.

C. Khí và rắn.

D. Rắn, lỏng, khí.

Câu 11: Một vật được ném lên độ cao theo phương thẳng đứng. Vật vừa có thế năng, vừa có động năng khi nào?

A. Chỉ khi vật đang đi lên.                                          

B. Chỉ khi vật đang đi xuống.

C. Chỉ khi vật tới điểm cao nhất.

D. Cả khi vật đang đi lên và đi xuống.

Câu 12: Số ghi công suất trên các máy móc, dụng cụ hay thiết bị cho biết

A. công suất định mức của dụng cụ hay thiết bị đó.

B. công thực hiện được của dụng cụ hay thiết bị đó.

C. khả năng tạo ra lực của dụng cụ hay thiết bị đó.

D. khả năng dịch chuyển của dụng cụ hay thiết bị đó.

B. PHẦN TỰ LUẬN (7 điểm)

Câu 1: (2 điểm) Tại sao trong nước ao hồ sông biển lại có không khí mặc dù không khí nhẹ hơn nước rất nhiều?

Câu 2: (2 điểm)

a. Nêu định luật về công.

b. Động năng là gì ? Độ lớn của động năng phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Câu 3: (3 điểm) Một con ngựa kéo một cái xe với một lực không đổi bằng \(90\,\,N\), đi liền một mạch trong \(3\) giờ được \(36\,\,km\). Tính công suất trung bình của con ngựa.

Lời giải chi tiết

1.D

2.D

3.D

4.A

5.B

6.A

7.A

8.B

9.C

10.A

11.D

12.A

A. PHẦN TRẮC NGHIỆM

Câu 1:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết hiện tượng đối lưu

Cách giải:

Hiện tượng đối lưu xảy ra đối với chất khí và chất lỏng, không xảy ra đối với chất rắn

Chọn D.

Câu 2:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết đối lưu

Cách giải:

Nước màu tím di chuyển thành dòng từ dưới lên trên do hiện tượng đối lưu

Chọn D.

Câu 3:

Phương pháp:

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ biến dạng của vật gọi là thế năng đàn hồi

Cách giải:

Viên đạn đang bay: có động năng và thế năng hấp dẫn → A sai

Lò xo để ở một độ cao so với mặt đất: có thế năng hấp dẫn → B sai

Hòn bi đang lăn trên mặt phẳng nằm ngang: có động năng → C sai

Lò xo bị ép nằm trên mặt phẳng nằm ngang: có thế năng đàn hồi → D đúng

Chọn D.

Câu 4:

Phương pháp:

Nhiệt năng của một vật có thể thay đổi bằng hai cách: thực hiện công hoặc truyền nhiệt

Cách giải:

Thả hòn bi sắt vào nước nóng, hòn bi sắt nhận nhiệt lượng từ nước → nhiệt năng của hòn bi sắt tăng, nhiệt năng của nước giảm

Chọn A.

Câu 5:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết các hình thức truyền nhiệt

Cách giải:

Năng lượng từ Mặt Trời truyền xuống Trái Đất bằng hình thức bức xạ nhiệt

Chọn B.

Câu 6:

Phương pháp:

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ cao của vật so với mặt đất, hoặc so với một vị trí khác được chọn làm mốc để tính độ cao gọi là thế năng hấp dẫn

Cơ năng của vật phụ thuộc vào độ biến dạng của vật gọi là thế năng đàn hồi

Cơ năng của vật do chuyển động mà có gọi là động năng

Cách giải:

Thác nước ở trên cao → nước có thế năng hấp dẫn

Thác nước đang chảy, nước chuyển động → nước có động năng

Chọn A.

Câu 7:

Phương pháp:

Chắt rắn dẫn nhiệt tốt

Chất lỏng và chất khí dẫn nhiệt kém

Chân không không dẫn nhiệt

Cách giải:

Sự dẫn nhiệt không xảy ra đối với môi trường chân không

Chọn A.

Câu 8:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết tính chất chuyển động của phân tử

Cách giải:

Phân tử chất lỏng chuyển động không ngừng và hỗn độn → A, C đúng

Nhiệt độ của vật càng cao, phân tử chất lỏng chuyển động càng nhanh → B sai

Tính chất chuyển động không ngừng của phân tử chất lỏng là nguyên nhân gây ra hiện tượng khuếch tán → D đúng

Chọn B.

Câu 9:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết nhiệt năng

Cách giải:

Nhiệt năng của một vật có thể thay đổi bằng hai cách: thực hiện công hoặc truyền nhiệt

Chọn C.

Câu 10:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết hiện tượng đối lưu

Cách giải:

Đối lưu là hình thức truyền nhiệt chủ yếu ở môi trường lỏng và khí

Chọn A.

Câu 11:

Phương pháp:

Vật có thế năng hấp dẫn khi có độ cao so với mặt đất hoặc với một độ cao được chọn làm mốc

Vật có động năng khi vật chuyển động so với mặt đất

Cách giải:

Khi vật ở điểm cao nhất: vận tốc của vật bằng \(0\): vật có thế năng hấp dẫn, không có động năng

Vật vừa có thế năng vừa có động năng khi vật đang đi lên và đang đi xuống

Chọn D.

Câu 12:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết công suất

Cách giải:

Số ghi công suất trên các máy móc, dụng cụ hay thiết bị cho biết công suất định mức của dụng cụ hay thiết bị đó

Chọn A.

B. PHẦN TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp:

Giữa các phân tử, nguyên tử có khoảng cách

Cách giải:

Giữa các phân tử nước có khoảng cách, các phân tử không khi xen vào giữa những khoảng cách này làm cho trong nước có không khí

Câu 2:

Phương pháp:

Sử dụng lý thuyết định luật về công và động năng

Cách giải:

a. Định luật về công: Không một máy cơ đơn giản nào cho ta lợi về công. Được lợi bao nhiêu lần về lực thì thiệt bấy nhiêu lần về đường đi và ngược lại

b. Cơ năng của vật do chuyển động mà có gọi là động năng

Độ lớn của động năng phụ thuộc vào khối lượng và vận tốc chuyển động của vật.

Câu 3:

Phương pháp:

Công cơ học: \(A = F.s\)

Công suất: \(P = \frac{A}{t} = F.v\)

Cách giải:

Cách 1:

Đổi: \(3h = 10800s;\,\,36km = 36000m\)

Công cơ học mà con ngựa thực hiện là:

\(A = F.s = 90.36000 = 3240000\,\,\left( J \right)\)

Công suất trung bình của con ngựa là:

\(P = \frac{A}{t} = \frac{{3240000}}{{10800}} = 300\,\,\left( W \right)\)

Cách 2:

Vận tốc trung bình của con ngựa là:

\(v = \frac{s}{t} = \frac{{36}}{3} = 12\,\,\left( {km/h} \right) = \frac{{10}}{3}\,\,\left( {m/s} \right)\)

Công suất trung bình của con ngựa là:

\(P = F.v = 90.\frac{{10}}{3} = 300\,\,\left( W \right)\)

soanvan.me