Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ trong SGK Ngữ văn 10, tập hai, (tr. 53 – 54), đoạn từ “Ta trượt đi cô!” đến “lao dốc lần nữa đi” và trả lời các câu hỏi: 

Câu 1

Vì sao Na-đi-a chấp nhận cùng “tôi” ngồi xe trượt tuyết lao dốc lần thứ nhất? Na-đi-a đã phản ứng như thế nào sau khi trải qua cảm giác đáng sợ khủng khiếp ở lần trượt tuyết đầu tiên? 


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Nêu lí do khiến Na-đi-a chấp nhận ngồi xe trượt tuyết lần thứ nhất.

- Phản ứng của Na-đi-a sau lần trượt đầu tiên.


Lời giải chi tiết:

Việc Na-đi-a chấp nhận trượt tuyết lao dốc cùng nhân vật “tôi” lần đầu tiên là do “tôi” cố nài nỉ, rồi tôi lại nói khích, chạm lòng tự ái của nàng.

Phản ứng của Na-đi-a trước lần trượt tuyết lần đầu tiên: 

- Lo lắng, sợ hãi: “Na-đi-a sợ tưởng chết đi được, gương mặt tái nhợt, nàng thở không ra hơi…”, “các vàng tôi cũng không trượt lần nữa đâu”.

- Băn khoăn, dò xét: “Có phải tôi đã nói bống tiếng ấy, hay chỉ là trong tiếng gió gào rít nàng nghe như vậy”


Câu 2

Trong đoạn trích có nhiều câu thể hiện tâm trạng của Na-đi-a. Theo bạn, người kể chuyện biết chắc chắn hay chỉ suy đoán về tâm trạng được thể hiện qua những câu đó? 


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Chú ý từ ngữ miêu tả tâm trạng của Na-đi-a.

- Rút ra quan điểm của bản thân.


Lời giải chi tiết:

- Các câu nói về tâm trạng của Na-đi-a: “Na-đi-a sợ tưởng chết đi được”, “cặp mắt buồn rầu nôn nóng bồn chồn”, “nàng cảm thấy rụt rè kinh sợ, một niềm vui nào đang ngăn trở nàng nói...”; những câu tự hỏi: “Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không? Có hay không?”. 

- “Hình như” là một từ quan trọng, nó cho ta biết tất cả những gì diễn ra trong lòng Na-đi-a đều là suy đoán của “tôi” – người kể chuyện ngôi thứ nhất. 


Câu 3

Khi nói câu “Na-đi-a, anh yêu em!” nhân vật “tôi” có biết tính chất hệ trọng của câu đó không? Từ đó, bạn đánh giá như thế nào về nhân vật “tôi”? 


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Số lần nhân vật “tôi” nói câu “Na-đi-a, anh yêu em”.

- Rút ra nhận xét, đánh giá của bạn về nhân vật tôi.


Lời giải chi tiết:

Khi nói câu “Na-đi-a, anh yêu em!” nhân vật “tôi” biết rất rõ tính chất nghiêm trọng của câu nói đó. Ý nghĩ này càng được củng cố khi anh ta quan sát thấy trạng thái day dứt, bồn chồn của Na-đi-a. Giả sử, Na-đi-a vốn đã cảm mến chàng trai này, thì câu nói đó sẽ là sự khởi đầu của một mối tình. Thế nhưng, sự thật là nhân vật “tôi” đùa. Anh ta cố tình nói câu đó khi xe vun vút lao dốc, làm cho Na-đi-a nghe không rõ, nửa tin nửa ngờ. Rõ ràng, nhân vật “tôi” đã không thể hiện thái độ nghiêm túc về một vấn đề rất hệ trọng của con người.


Câu 4

Vì sao Na-đi-a đã bất chấp cả sợ hãi để đề nghị nhân vật “tôi” tiếp tục lao dốc? Hành động đó thể hiện điều gì ở con người Na-đi-a? 


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Chú ý tâm trạng của Na-đi-a sau khi cùng “tôi” trượt tuyết.

- Nhận xét về con người Na-đi-a.


Lời giải chi tiết:

Mặc dù vô cùng sợ hãi, nhưng Na-đi-a vẫn đề nghị tiếp tục lao dốc, chính vì nàng đã nghe loáng thoáng câu “Na-đi-a, anh yêu em!” trong khi xe đang lao vun vút. Nàng phải xác nhận có phải chàng trai ngồi cùng xe đã nói câu đó không. Điều này cho thấy, Na-đi-a nghiêm túc trong tình yêu, có ý thức về danh dự của mình và tôn trọng người khác.


Câu 5

Ở vị trí là một phần của tác phẩm truyện, đoạn trích có những đặc điểm nổi bật nào? 


Phương pháp giải:

- Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ.

- Nêu đặc điểm nổi bật của đoạn trích.


Lời giải chi tiết:

Đoạn trích có một số đặc điểm nổi bật: 

+ Chuyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” – ngôi thứ nhất, người tham gia vào diễn biến của câu chuyện. Lời kể vừa có tính hạn tri (biết hạn chế), vừa có màu sắc của kiểu lời kể toàn tri (biết tất cả).

+ Câu chuyện có những tình tiết bất ngờ nhưng hợp lí. Cảm giác của con người ở ngưỡng cuối cùng của khả năng chịu đựng, đặc biệt, những mâu thuẫn bên trong của nhân vật được miêu tả sinh động, tinh tế, gây ấn tượng mạnh.