Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam sau 1975. Cuộc đời sáng tác của ông chia ra làm hai giai đoạn rõ rệt: trước thập kỉ tám mươi, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn; từ đầu thập kỉ tám mươi đến khi mất, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nguyễn Minh Châu không ngừng trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn. Điều này được Nguyễn Minh Châu thể hiện khá rõ trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Trong truyện ngắn này Nguyễn Minh Châu đã đưa ra một vấn đề mang tính thời sự nóng bỏng, đó là nạn bạo lực trong gia đình.

Đọc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, ai cũng thấy thói vũ phu, độc ác của anh hàng chài. Anh hàng chài ngày nào cũng đánh đập vợ mình một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo. Anh như hoàn toàn mất hết nhân tính, chẳng còn một chút lương tri, lương năng nào. Nhưng đâu là nguyên nhân dẫn đến sự bạo hành ấy? Chúng ta có thể hiểu sở dĩ anh hàng chài có hành động tàn bạo, độc ác ấy là do hai nguyên nhân sau đây:

-     Nguyên nhân trực tiếp: nguyên nhân trực tiếp của tình trạng bạo lực trong gia đình anh hàng chài là do sự tăm tối và thói vũ phu của anh hàng chài.

-     Nguyên nhân sâu xa: nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực trong gia đình anh hàng chài là do tình trạng đói nghèo, là đời sống bấp bênh, kéo dài lê thê trong cuộc sống của gia đình anh hàng chài. Chính điều này, đã gây nên tâm trạng u uất, tạo nên tâm lí bế tắc, chán ghét cuộc đời, hận thù cuộc đời của anh hàng chài và không biết làm sao để giải tỏa những điều ẩn ức ấy, nên trút sự giận dữ, buồn bực lên đầu vợ con mình.

Tình trạng bạo lực trong gia đình anh hàng chài đã để lại một hậu quả thật bi đát, đớn đau cho vợ con anh hàng chài. Người mẹ của cậu bé Phác không những chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị hành hạ về tinh thần, về mặt thể xác, người đàn bà này hàng ngày phải đưa tấm thân của mình ra hứng chịu những trận đòn chí tử của chồng, xác thân mềm nhũn, mang đầy thương tích, về mặt tinh thần thì người mẹ của cậu bé Phác luôn luôn nơm nớp lo sợ cho sự tổn thương của con cái. Bà rất đau đớn, xót xa khi bà cố gắng tìm mọi cách che chắn cho con, bà đã xin chồng đừng đánh mình trên thuyền, trước mặt con cái, nhưng rồi những đứa con vẫn biết sự thật, khiến bà “vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã". Đứa con - cậu bé Phác - vì thương mẹ, không chịu nổi khi nhìn cảnh mẹ mình bị bố đánh đập, hành hạ nên căm ghét bố, xông vào đánh bố để bảo vệ cho mẹ. Điều đó cho ta thấy tình cha con đã rạn vỡ, sự thơ ngây, hồn nhiên của tuổi thơ đã biến mất trong tâm hồn cậu bé Phác. Thử hỏi, cuộc đời của cậu bé Phác sẽ như thế nào nếu môi trường sống không thay đổi theo hướng tích cực?

soanvan.me