“Chết là hết”, người đời thường nói vậy. Và cuối cùng ai cũng phải chết. Nhưng có những cái chết “không một tiếng vang”; lại có những cái chết để “tiếng thơm muôn thuở”. Người nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa đứng dậy chống Pháp đã lựa chọn cái chết thật đẹp: “Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; Thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”. Có thế nói toàn bộ bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là “khúc ca của những người thất thế nhưng vẫn hiên ngang” (Phạm Văn Đồng).
Thế là đã hơn một thế kỉ trôi qua, cuộc khởi nghĩa của những người nông dân Cần Giuộc đã thất bại. Họ phải ngã xuống giữa chiến trường trong cảnh “da ngựa bọc thây", “xác phàm vội bỏ”. Họ là những người thất thế, đúng như vậy. Nhưng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu đã làm họ “sống lại” trong những hình tượng đầy khí phách hiên ngang. Những tấm gương đại nghĩa vằng vặc như trăng sao ấy đã tạo cho bài Văn tế âm hưởng của một khúc ca bi tráng. Người nghĩa quân cần Giuộc vốn chỉ là những nông dân hiền lành, quanh năm: “Cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung...”. Ấy thế mà khi giặc đến, họ liền trở thành những dũng sĩ. Ở họ, nhà thơ nhấn mạnh tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tự giác:
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Trong khi triều đình khiếp nhược, chỉ tính bài nhượng bộ, đầu hàng thì họ đã tự động đứng dậy. Tinh thần: “Mến nghĩa làm quân chiêu mộ” của những người dân cày này thật đáng khâm phục. Cuộc chiến đấu của họ tất nhiên là đầy khó khăn: Lực lượng địch và ta quá chênh lệch, thiếu kĩ thuật quân sự, thiếu quân trang, vũ khí. Đoàn nghĩa quân nông dân chân đất nghèo khổ, lam lũ này gần như đi thẳng đến chiến trường từ những túp lều rách nát và những luống cày của họ, không cờ reo, trống giục, không mũ nón, không giáp trụ, cũng chẳng gươm giáo, cung tên...
Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi
Trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ
Hỏa mai đành bằng rơm con cúi”, “gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay.
Thế mà họ đã làm cho kẻ thù thất điên bát đảo, khiến cho “mã tà ma lí hồn kinh”. Sức mạnh của họ không có gì khác ngoài sức mạnh tinh thần. Họ đã lấy gan vàng đọ với đạn sắt, lấy lòng căm hờn chống lại “tàu thiếc, tàu đồng. Nguyễn Đình Chiểu không quên họ là những nông dân: “Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ“. Người dân cày vốn hiền lành, nhưng một khi lòng yêu nước ở họ được khơi dậy thì sức mạnh căm thù trở nên thật dữ dội:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ
Ông căm thu ấy đã đem đến cho họ sự dùng cảm và sức mạnh phi thường. “Kẻ đâm ngang, người chém ngược”, họ tả xung hữu đột, tung hoành ngang dọc như ở chỗ không người: “Đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”.
Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi những nghĩa sĩ nông dân bằng những hình tượng thật chói lọi và những lời văn thật trang trọng, đẹp đẽ. Nhưng ông không che giấu sự thật đau lòng. Bài văn còn là lời ai điếu, là tiếng khóc của Đồ Chiểu trước sự thất thế và cái chết của nghĩa quân cần Giuộc. Cái chết của họ khiến cho con người, đất trời, cây cỏ cũng phải động lòng:
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng.
Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
Lắng nghe trong lời văn của Đồ Chiểu như có tiếng khóc, tiếng nấc nghẹn ngào:
Ôi thôi thôi!
Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lạt bóng trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trễ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; Não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Cái bi bao trùm lên cả đoạn thơ, nhưng cái bi ở đây không phải là cái bi thảm mà là bi tráng. Đây là nỗi đau lớn vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đau mà không khiến người ta nản lòng, thối chí, bi mà giục giã mọi người đứng dậy hiên ngang. Cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Nhiều nghĩa quân đã phải ngã xuống. Nhưng chết vinh còn hơn sống nhục: Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Chết như thế thì chết cũng như còn, vì “danh thơm đến sáu tỉnh chúng đều khen”, “tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ”. Chết như thế là để lại tấm gương chói lọi, có sức động viên lớn đối với cuộc chiến đấu sẽ còn tiếp tục:
Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh...
Ca ngợi người anh hùng chống Mĩ, Nguyễn Văn Trỗi, nhà thơ Tố Hữu viết:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử.
(Hãy nhớ lấy lời tôi)
Đó cũng là cái chết của những nghĩa sĩ Cần Giuộc, những con người “thất thế nhưng vẫn hiên ngang” được phản ánh trong bài Văn tế bi tráng của Nguyễn Đình Chiểu. Cảm ơn nhà thơ mù Đồ Chiểu đã bằng tấm lòng và tài năng nghệ thuật làm sống dậy cả một thời bi thương mà oanh liệt. Ông đã bất tử hóa những người đã khuất, tạc dựng họ thành một cụm tượng đài bền vững và cao đẹp trong thơ cũng như trong lòng người đọc mãi mãi về sau.
soanvan.me