Dàn ý
Dàn ý tham khảo số 1
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về Thạch Lam: nổi tiếng với văn phong lãng mạn, giọng văn đầy chất thơ nhưng không ủy mị, thảm sầu như những nhà văn lãng mạn cùng thời.
- Giới thiệu chung về truyện ngắn "Hai đứa trẻ".
2. Thân bài:
a. Bức tranh phố huyện tăm tối quẩn quanh và tâm trạng của Liên
* Cảnh ngày tàn:
- Âm thanh: tiếng trống thu không nhỏ dần từ xa vọng lại, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve.
- Màu sắc:
+ “chân trời phương tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”
+ “màu đen của dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời”
⇒ Âm thanh và màu sắc gợi nỗi buồn thấm thía, cảm giác tàn lụi.
- Không gian: hẹp như bị chặn lại.
- Từng bước chân thời gian chầm chậm bước tới chiều rồi tối.
⇒ Qua ngòi bút của Thạch Lam buổi chiều như buồn hơn, ngày tàn đến nhanh hơn, phố huyện phơi bày vẻ tiêu điều xác sơ, mòn mỏi.
- Tâm trạng của Liên:
Tâm hồn cô bé nhạy cảm, tinh tế, xao xuyến một nỗi buồn man mác: “Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.
* Cảnh chợ tàn
- Hình ảnh chợ huyện lúc vãn: “trên nền chợ đầy rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”.
- Những đứa trẻ nghèo nhặt rác, chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được.....
- Tâm trạng Liên: động lòng thương cảm.
* Những con người nơi phố huyện
- Mẹ con chị Tí:
+ Ngày ngày mò cua bắt ốc, đêm đến lại lầm lũi dọn hàng nước.
+ Khách hàng toàn là những người dưới đáy xã hội.
+ Dẫu chả kiếm được bao nhiêu nhưng đêm nào mẹ con chị Tí cũng dọn hàng.
⇒ Mẹ con chị đang cầm cự trong sự sống.
- Chị em Liên với của hàng tạp hóa sơ sài.... chẳng đáng là bao.
- Bà cụ Thi là nhân vật điển hình cho số phận tàn tạ trong cái đêm đen của xã hội ấy.
⇒ Diễn biến tâm trạng Liên thể hiện một tâm hồn tinh tế nhạy cảm và đồng cảm với những con người không tương lai, không hạnh phúc.
b. Tâm trạng của Liên trong đêm tối và trước những ngọn đèn
* Cảnh phố huyện về đêm
- Khung cảnh:
+ Bóng tối bao la phủ trùm tất cả, cả phố huyện chìm trong bóng tối.
+ Ánh sáng nhỏ bé yếu ớt chỉ là quầng, là khe, là vệt, là chấm và cuối cùng chỉ là hột sáng thưa thớt.
⇒ Có sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, hình ảnh ngọn đèn leo lét nơi quán hàng chị Tí là biểu tượng cho kiếp sống nhỏ nhoi lay lắt, mù tối của những người cùng khổ trong biển đêm mênh mông của cuộc đời. Ngọn đèn ấy tuy yếu ớt nhưng vẫn là niềm lạc quan sống của những kiếp người nhỏ bé vô danh, vô nghĩa không tương lai, hạnh phúc trong xã hội cũ.
- Sinh hoạt của con người:
+ Các nhà đóng cửa im lìm.
+ Gánh phở của bác Siêu so với mẹ con chị Tí có phần khấm khá hơn nhưng lại đứng trước nguy cơ đáng sợ hơn: thất nghiệp. Bởi ở vùng quê này thứ quà của bác Siêu là một thứ quà xa xỉ.
+ Vợ chồng bác Xẩm sống trong cảnh màn trời chiếu đất, trông chờ vào của bố thí ở nơi đây => sự trông chờ trong vô vọng.
+ Mẹ con chị Tí: hàng nước đơn sơ.
+ Chị em Liên: quán nhỏ.
⇒ Nghèo khổ, nhàm chán, tẻ nhạt, vô vị.
* Tâm trạng của Liên:
- Đêm tối với Liên quen lắm, chúng chẳng đáng sợ.
- Rồi Liên hoài tưởng về quá khứ tươi đẹp ở Hà Nội, nơi có một vùng sáng rực và lấp lánh.
- Như mọi người dân trong phố huyện Liên luôn mong chờ một cái gì đó mới mẻ, tươi sáng sẽ đến xua tan đi đêm đen âm u lụi tàn ở phố huyện.
⇒ Bằng trái tim đôn hậu, dịu dàng Thạch Lam đã phát hiện ra những rung động sâu xa, những khao khát thầm kín trong cuộc đời những con người tưởng như hoàn toàn an phận ấy.
c. Tâm trạng đón đợi tàu
* Tâm trạng chờ đợi:
- An dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn dặn chị tàu đến nhớ đánh thức em.
- Còn Liên ngồi yên không động đậy ngắm nhìn sao trời....
* Tâm trạng đón tàu:
- Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa nghe tiếng còi vọng lại Liên đã vội vã gọi em dậy.
- Rồi tàu đến Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua.
* Tâm trạng khi tàu đi qua:
- Ngẩn ngơ, nuối tiếc.
- An băn khoăn nghĩ ngợi: “Tàu hôm nay không đông chị nhỉ?” Còn Liên lặng theo mơ tưởng.
* Ý nghĩa của việc đợi tàu:
- Đợi tàu là nếp sống nhu cầu không thể thiếu của chị em Liên.
- Đợi tàu để được cháy lên khao khát đổi đời.
- Qua việc đợi tàu Thạch Lam thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt bế tắc của những kiếp người nhỏ bé nhất là những đứa trẻ vừa nâng niu trân trọng khát vọng vươn ra ánh sáng, khát vọng đổi đời ở những con người ấy.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nhận chung về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn.
Xem các dàn ý tham khảo khác tại đây:
Bài mẫu
Bài tham khảo số 1
Cùng với hai người anh ruột là Nhất Linh và Hoàng Đạo, Thạch Lam đã góp công lớn vào hai tờ báo Phong hóa, Ngày nay, cơ quan ngôn luận của nhóm Tự lực Văn đoàn, ngay từ tháng 9 năm 1932 và những năm sau đó. Thạch Lam đã từng phát biểu về quan niệm sáng tác văn chương của mình: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tô cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Tác phẩm, nhất là truyện ngắn của ông đã phản ánh một cách trung thành quan niệm sáng tác ấy. Rất nhiều truyện nằm trong luồng tư tưởng hiện thực phê phán mô tả đời sống cơ cực, vất vả của người dân nghèo cả ở nông thôn lẫn thành thị. Người đọc không thể ngăn được tiếng thở dài đồng cảm khi đọc truyện ngắn Nhà mẹ Lé, Đói, Tối ba mươi... Lại có những truyện phản ánh cuộc đời thường dung dị, nên thơ và đầy lòng nhân ái mà Hai đứa trẻ là truyện tiêu biểu.
Đêm ở một phố chợ trong huyện nhỏ. Hai chị em An, Liên thay mẹ bán hàng xén ở chợ. Hôm ấy, chợ đã tan nhưng hai chị em vẫn chưa dẹp hàng. Hai chị em ra ngồi trước cửa hàng quan sát phố chợ lúc đêm sắp về. Chợ chỉ còn vài người chuẩn bị ra về, mấy đứa trẻ nghèo lượm rác, chị Tí dọn hàng nước ra bán, một cụ bà mua rượu hàng phở bác Siêu, vợ chồng bác hát rong... Hai chị em cố thức là để chờ chuyến xe lửa đi qua, mang một chút ánh sáng Hà Nội huyên náo về... An đã ngu say, Liên cũng tới bên em nằm xuống và nhập vào cái tịch mịch và đầy bóng tối cua phố huyện.
Cốt truyện gần như chẳng có gì cả là hấp dẫn. Nhân vật chính của truyện là hai chị em Liên và An. Tất cả những gì gọi là sinh hoạt của phố chợ từ buổi chiều cho tới đêm khuya đều được đôi mắt của hai chị em thu vào. Từ những con mắt trầm lặng ấy, Thạch Lam miêu tả cảnh phố chợ chiều đến, đêm về theo trình tự thời gian, và công việc thường ngày của những người sống nhờ chợ.
Trước hết là bức tranh không gian chiều. Bức tranh mở đầu bằng âm thanh của “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi chiều về”. Đấy là một tứ thơ đẹp không thể có trong bức tranh của một họa sĩ nào dù ông ấy có tài đến đâu. Ta cứ ngỡ như tiếng trống thu không ấy đã được mọi vật của thế giới tự nhiên cảm nhận nên đã lần lượt kéo về tuần tự trước mắt của hai chị em. Nền của bức tranh chiều bao trùm bởi “Phương tây, đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. Cái màu đỏ rực kia đã có bóng dáng của màu xám trắng sẽ chuyển đổi dần sang độ đậm theo kim đồng hồ. Có thế gọi đó là màu thời gian. Trên nền xanh ấy, ‘‘Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Đã có thêm nét chấm phá của màu đối nghịch. Cái màu “đen lại” cũng là màu thời gian chuyển đổi từ màu xanh lục của tre... Tiếng trống thu không điểm từng tiếng một đã lôi kéo thêm “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Đấy là cảnh nền, cảnh xa của “Một chiều êm ả như ru” như chính giọng điệu của lời văn miêu tả nó. Văn Thạch Lam giàu chất thơ là ở chỗ ấy, bước đầu đã khá rõ ràng.
Và gần hơn là cảnh “các nhà đã lên đèn cả rồi”. Từ những ngọn đèn ấy, người đọc có thể đoán ra người nghèo, kẻ giàu; “đèn treo trong nhà bác phở Mĩ., đèn giây sáng xanh trong hiệu khách” chắc chắn sáng hơn ngọn “đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu”, ngọn đèn trong cửa hàng của chị em Liên. Cái khéo, cái tinh tế trong miêu tả của Thạch Lam chính là ở “những nguồn sáng ấy đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng, một bên tối”. Không có cái nhìn tỉ mỉ, tinh thế thì sẽ không có những gam màu mờ ảo ấy trong bức tranh đêm phố huyện. Sẽ là thiếu nếu không kể ra thêm “Trên đất chỉ còn rác rưỡi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng cua ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Bức tranh phố chợ huyện nhỏ đêm về lại có thêm mùi vị của quê hương, ở những câu văn ấy, ngoài chức năng miêu tả còn chức năng khơi gợi một thứ tình cảm nồng nàn, thấm sâu của nhà văn không lấy văn chương làm trò giải trí.
Và tất nhiên bức tranh phố chợ huyện về đêm có cả con người, những con người có cuộc sống thầm lặng, tất bật về chuyện áo cơm, đói nghèo. Đấy là “thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra; chị Tí, mẹ nó, theo sau, đội cái chõng trên đầy và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc: tất cả cái cửa hàng của chị”. Ngoại trừ những đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ đang cúi lom khom tìm tòi, nhặt nhạnh những cái gì còn dùng được do những người bán hàng để lại, ngoại trừ bà cụ Thi hơi điên có tật nghiện rượu thì có lẽ chị Tí là người nghèo có hạng ở huyện nhỏ này. Nhìn hàng quán của chị thì biết: dụng cụ để bán nước chè tươi và cái điếu hút thuốc lào. Qua ngòi bút của Thạch Lam, chị sống bằng nghề mò cua bắt tép ban ngày, còn ban đêm thì chị bán nước, thuốc lào cho “mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm” cao hứng ghé vào uống.
Một lát có thêm hàng phở của bác Siêu, “Bác... đặt gánh phở xuống đường. Bác cúi xuống nhóm lại lửa, thổi vào cái ống nứa con. Bóng bác mênh mang ngả xuống đất một vùng...”.
Rồi có “thêm được gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe”...
Nhân vật phụ thêm một số người làm công ở các hiệu khách đi đón bà chủ ở tỉnh về. Những con người ấy báo hiệu chuyến tàu sắp đến.
Thạch Lam chỉ miêu tả công việc của những nhân vật ấy, những câu đối thoại tự nhiên giữa họ với nhau. Nhưng từ đó, người đọc có thể nhận ra từng số phận của con người trong mẫu số chung là cảnh nghèo, và hiện thực xã hội dưới chế độ phong kiến thực dân. Gia đình bà cụ Thi ở đâu? Tại sao bà lại điên điên và lại có tật nghiện rượu? Truyện không miêu tả, nhưng người đọc có thể cảm nhận số phận bất hạnh của một người vợ, một người mẹ qua cuộc sống lang thang của bà. Cụ điên điên vì một cú sốc đau khổ có lẽ lớn lắm và cụ mượn rượu để quên đi đời sống bất hạnh của mình? Và cái gia đình của bác xẩm kia, gia sản chỉ có manh chiếu và cái thau sắt da dụng, cái đàn bầu và giọng hát còn nằm vên trong cổ họng vì vắng khách. Cả gia đình bác sống nhờ vào mớ đồ nghề ấy, và vào lòng hảo tâm của khách qua đường. Đời vợ chồng bác đã thế, còn đời của “thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường” thì sao? Cả đến cuộc sống của gia đình chị Tí, những đứa trẻ con nhà nghèo kia, sau này sẽ ra sao? Nhà văn đã khái quát về số phận của những con người sống giữa phố chợ về đêm bằng một câu ngắn “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Một câu văn nhẹ nhàng, cũng như những câu văn miêu tả những gì về các nhân vật kia, không có gì là hằn học, kết án nhưng vẫn mang sức mạnh tố cáo, và hơn thế nữa là mong ước có sự đổi thay đế người dân nghèo bớt khổ, để xã hội không có những trẻ em đi lượm rác, những bà cụ điên điên đi ăn xin và không còn những gia đình như gia đình bác xẩm.
Chừng ấy nhân vật đã tạo nên cảnh sinh hoạt phố chợ trong đêm, âm thầm và lay lắt trước sự chứng kiến của Hai đứa trẻ, hai chị em Liên và An nhân vật chính trong truyện.
Đã một thời, hai chị em cùng ở với bố mẹ ở Hà Nội, đà từng dược dẫn “đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”, nghĩa là hai chị em đã sống ở phố hội hoa đèn. Nhưng tại sao lại về phố huyện này? Chỉ vì “thầy Liên mất việc”, cả nhà phải về đây, thuê lại gian hàng bé này và mẹ giao cho Liên trông coi. Công việc chính của chị em Liên là bán và trông coi hàng, ngủ tại chỗ.
Đương nhiên An nhỏ tuổi, tâm hồn còn ngây thơ. Thấy bọn “trẻ con tụ họp nhau ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ” An cũng muốn nhập bọn với chúng để nô đùa. Có thêm người ra chợ đêm, em vui mừng hơn. Đấy là tâm lí trẻ hồn nhiên và hiếu động, lứa tuổi mà ăn và ngủ vẫn còn có sự hiện diện của bản năng. Khi miêu tả tâm lí nhân vật, Thạch Lam không quên điều ấy, và cũng không quên bản chất của giáo dục gia đình có trong người của em. Dù muốn nhập bọn vui chơi với bọn trẻ nhưng An không dám, vì sợ mẹ. Luôn luôn gọi “chị” và xưng “em” trong mỗi câu nói cũng là rõ thêm bản chất giáo dục của một gia đình tốt. Chờ tàu, An buồn ngủ lắm. Buồn ngủ thì em cứ nằm xuống chõng, gối đầu lên đùi chị mà ngủ, nhưng vẫn dặn: “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Và hôm ấy, khi tàu chạy qua và khuất sau rặng tre thì An nói với chị: “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ”, rồi giục chị đi agủ. Ngồi thức đợi tàu, trước khi ngủ thì dặn chị nhớ gọi dậy xem tàu chạy qua. Đó chính là sở thích và tính tò mò của trẻ chứ chưa hẳn đã có ý thức sâu xa về những kỉ niệm, về hoàn cảnh sống của mình. Sau khi tàu đã chạy khuất, An lại quay ra ngủ tiếp. Có thể dăm mười năm sau, những đêm đợi tàu như thế này vừa là kỉ niệm vừa gợi cho em một ý thức nào đấy về xã hội lúc bấy giờ, còn lúc ấy, với em, đợi tàu chỉ là thói quen tò mò, và là niềm vui ở phố huyện nhỏ.
Ngược với em, Liên đã hiểu biết hơn, được mẹ giao trọng trách trông coi cửa hàng xén, chưa quản lí toàn diện nhưng đã bước vào việc quản lí hàng hóa tiền bạc và nhất là phải tiếp xúc với nhiều người.
Trong công việc chúng ta thấy ở Liên tính cẩn thận, ngăn nắp. Qua ngòi bút của Thạch Lam, Liên tỏ ra là người rành rọt trong việc mua bán. Đã hết một ngày, “Liên đếm lại những phong thuốc lào, xếp vào hòm những bánh xà phòng. Còn lại, vừa lẩm nhẩm tính tiền hàng”. Kiểm hàng còn lại trước khi kiểm tiền đã bán được trong ngày là kinh nghiệm của người rành buôn bán. Khi cảm thấy trong quán quá nóng, không thể ngồi cộng tiền, “Liên khóa vội tráp tiền với một chiếc khóa chị đeo vào cái dây xà tích bạc ở thắt lưng”. Tất cả đều biểu lộ tính cẩn trọng của Liên, cẩn trọng ngay cả khi bán rượu cho bà cụ Thi hơi điên điên.
Nhưng quý hơn cả những đức tính trên của Liên là lòng thương người, thân tình với người nghèo lương thiện. Nhìn mấy đứa trẻ con nhà nghèo lom khom lượm rác, “Liên... động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng nó”. Đúng vậy, tuy bán hàng nhưng tiền do mẹ quản lí, Liên không có quyền; lại nữa là cha của Liên đang thất nghiệp. Ngay cả khi nghe mùi phở thơm của nhà bác Siêu bay tỏa khắp nơi thì Liên thèm lắm, nhưng không dám ăn vì không có tiền riêng.
Cứ nhìn cách nói, cách đối xử qua những câu văn của Thạch Lam thì Liên thương em lắm. Bao giờ chị cũng nhỏ nhẹ, và chiều ý em. Hình ảnh “An đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị”, “Liên khẽ quạt cho An, vuốt lại mái tóc tơ...”, “Chị cúi xuống vực em vào trong hàng...” đã làm nổi bật đức tính đáng quý ấy.
Trong thế giới riêng tư, Thạch Lam miêu tả một cách tỉ mỉ tâm trạng của Liên, khi ngày sắp tàn, đêm về, và cố thức để chờ đợi chuyên tàu đi qua. Đấy là tâm trạng buồn, nuối tiếc, biết tìm niềm vui, tìm hi vọng dù trong phút chốc thôi - giữa cuộc sống quẩn quanh chưa có lối thoát.
Ở phần đầu của truyện ngắn, Thạch Lam miêu tả nỗi buồn của Liên trước buổi chiều sắp tàn bằng những câu văn như hòa nhập hẳn vào nhân vật: “Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thìa vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Viết như thế, nhưng thực ra Liên đã hiểu vì sao cô buồn, nỗi buồn hoài niệm. Hai hình ảnh: một của quá khứ khi cô còn ở Hà Nội, và một là hình ảnh hiện tại ở phố huyện đêm ấy đã giải thích nỗi buồn của Liên. “Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chỉ được hưởng những thức quà ngon lạ..., chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá! Từ khi nhà Liên dọn về đây..., đêm nào Liên và em cũng phải ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng...” nhìn đốm đèn leo lét của chị Tí, của bác Siêu, của gia đình bác hát rong kiếm tiền sống qua ngày. Đêm này qua đêm khác, sinh hoạt của phố huyện nhỏ chỉ có thể, quẩn quanh, đơn điệu, nghèo khó. Liên nhìn họ, “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng lo cho mình, tìm mọi cách bươn chải để sống và hi vọng. Cái quán bán nước chè xanh của chị Tí, quán bán phở của nhà bác Siêu có ngọn đèn không xa hơn. Đã có lúc hai chị em Liên đã ngước mắt nhìn lên các vì sao... thế nhưng “Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất..” và khi nhìn về mặt đất thì lại chỉ thấy ngọn đèn leo lét của nhà bác Siêu, của chị Tí giữa mênh mông đêm tôi đối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa..”. Cuộc sông rõ ràng là đen tối và bế tắc đưa con người vào tâm trạng chán chường, vất vưởng. Một ngày như thế, và những ngày như thế: một đêm như thế và những đêm như thế: ánh sáng nhỏ bé đối lập với bóng đêm bao trùm lặng lẽ thì chỉ có và chỉ còn con tàu chạy qua đây trong giây lát là hình ảnh sinh động nuối tiếc: “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyển tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”. Và cuối cùng thì con tàu đã tới. Liên đánh thức em dậy. Bé An dụi mắt cho tỉnh ngủ để được nhìn rõ con tàu. Con tàu có các toa đèn sáng trưng, người lố nhố trên các toa sang trọng. Hai chị em đã đứng cả dậy để nhìn cho rõ, rồi còn “nhìn theo cái chấm nhổ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre”. Thế là hết! Con tàu mang ánh sáng đô thị cứ vô tình chạy trên đường ray, để lại phố huyện với bóng tối đêm khuya, để lại “vợ chồng bác xẩm ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ”, để lại một cô “Liên lặng theo mơ tưởng Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu..”. Đó là cái cớ khác giải thích cho việc chị em Liên đợi tàu, một hình ảnh đối lập hẳn với hiện thực của phố huyện nơi gia đình Liên đang sống, cũng như bao phố huyện khác trên đất nước này vào những năm trước 1945; hay nói một cách khác thì đó là hình ảnh mà chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng” như tâm trạng của Liên khi nằm xuống bên em để tìm vào giấc ngủ: “Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ”. Thế thôi, cái thế giới khác kia, cải thứ ánh sáng hạnh phúc kia họ không thể nào đạt được có chăng là mỗi đêm cô thức để đợi con tàu ấy qua để họ càng cảm nhận sâu hơn phận nghèo xơ xác của đời mình.
Lối viết lãng mạn, trữ tình không chỉ dành cho miêu tả tình yêu đôi lứa, mà vẫn có thể sử dụng để miêu tả hiện thực cuộc sống của con người, như truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Dù có cốt truyện đơn giản, không có những nhân vật tạo nên kịch tính dữ dội, gay gắt như những truyện ngắn của Nam Cao, Nguyễn Tuân... nhằm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc nhưng với phong cách viết nhẹ nhàng, miêu tả một cách tinh tế đặc tính tâm lí của từng nhân vật, chắt lọc trong từng cảnh trí... Thạch Lam thực sự là nhà văn viết bằng cả tâm hồn mình trước cảnh thiên nhiên và trước những con người có số phận hẩm hiu, có cuộc đời nghèo khổ. Không hề có những câu văn tố cáo nhưng vẫn hàm chứa tính chất tố cáo sự bất công của nhà cầm quyền cũ về tạo sự cách biệt đời sống giữa thành thị với nông thôn. Nhà văn thực sự đã hòa tâm hồn mình vào những mảnh đời âm thầm của vùng quê nghèo khó với mục tiêu đẩy lùi “cái thế giới giả dối và tàn ác” vào quá khứ để ngọn lửa của hi vọng bừng lên trong đời sống của "chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ” như ông đã viết trong truyện ngắn nổi tiếng này.
Xem các bài tham khảo khác tại đây:
soanvan.me