Dạng 1
Lý thuyết về Không khí – Sự cháy
* Một số lưu ý cần nhớ
1. Thành phần của không khí : không khí là hỗn hợp nhiều chất khí. Thành phần theo thể tích của không khí là 78% nitơ, 21% oxi, 1% các khí khác (khí cacbonic, hơi nước, khí hiếm,…)
2. Sự oxi hóa chậm : sự oxi hóa chậm là sự oxi hóa có tỏa nhiệt nhưng không phát sáng.
3. Sự cháy – Điều kiện phát sinh và dập tắt sự cháy.
- Sự cháy là sự oxi hóa có tỏa nhiệt và phát sáng.
- Điều kiện phát sinh :
+ Chất phải nóng đến nhiệt độ cháy
+ Phải đủ khí oxi cho sự cháy.
- Muốn dập tắt sự cháy phải thực hiện một hoặc đồng thời cả hai biện pháp :
+ Hạ nhiệt độ của chất cháy xuống dưới nhiệt độ cháy.
+ Cách li chất cháy với oxi.
* Một số ví dụ điển hình
Ví dụ 1: Điều kiện phát sinh phản ứng cháy là:
A. Chất phải nóng đến nhiệt độ cháy
B. Phải đủ khí oxi cho sự cháy.
C. Cần phải có chất xúc tác cho phản ứng cháy
D. Cả A và B
Hướng dẫn giải chi tiết:
Điều kiện phát sinh phản ứng cháy là:
- Chất phải nóng đến nhiệt độ cháy.
- Phải có đủ khí oxi cho sự cháy.
Đáp án D
Ví dụ 2: Chọn đáp án đúng nhất. Bản chất của phản ứng cháy là:
A. Cần có oxi
B. Sản phẩm tạo ra có CO2
C. Là phản ứng phân hủy
D. Là phản ứng tỏa nhiệt
Hướng dẫn giải chi tiết:
Phản ứng cháy là phản ứng của một chất với oxi có tỏa nhiệt và phát sáng.
=> Bản chất của phản ứng cháy là: cần có oxi.
Đáp án A
Ví dụ 3: Em hãy chọn phương pháp dùng để dập tắt ngọn lửa do xăng, dầu trong các phương án sau:
A. Dùng quạt để quạt tắt ngọn lửa
B. Dùng vải dày hoặc cát phủ lên ngọn lửa.
C. Dùng nước tưới lên ngọn lửa.
D. Không có phương án dập tắt phù hợp.
Hướng dẫn giải chi tiết:
Ta chọn phương pháp: Dùng vải dày hoặc cát phủ lên ngọn lửa vì sẽ ngăn cách được chất cháy với oxi.
A không phù hợp vì dùng quạt sẽ cung cấp thêm oxi làm ngọn lửa cháy to hơn.
C không phù hợp vì xăng dầu nhẹ, nổi lên mặt nước sẽ lan rộng ra làm đám lửa cháy to hơn.
Đáp án B
Ví dụ 4: Khi thổi không khí vào nước nguyên chất, dung dịch thu được hơi có tính axit. Khí nào trong không khí gây nên tính axit đó?
A. Cacbon đioxit.
B. Hiđro.
C. Nitơ.
D. Oxi.
Hướng dẫn giải chi tiết:
Khi thổi không khí vào nước nguyên chất, dung dịch thu được hơi có tính axit => không khí có chứa oxit axit
=> khí đó là cacbon đioxit (CO2)
Đáp án A
Dạng 2
Bài tập về tính thể tích không khí
* Một số lưu ý cần nhớ
Đối với bài toán dùng không khí để đốt cháy chất em cần nhớ, chỉ có oxi trong không khí là tham gia phản ứng. Trong không khí, oxi chiếm 20%
=> V không khí cần dùng = 5 V oxi tham gia phản ứng
* Một số ví dụ điển hình
Ví dụ 1: Thể tích không khí ( ở đktc) cần dùng để đốt cháy hết 1,2 kg C là? Biết oxi chiếm 20% thể tích không khí
Hướng dẫn giải chi tiết:
1,2 kg = 1200 (g)
Số mol cacbon là: nC = mC : MC = 1200 : 12 = 100 (mol)
C + O2 \(\xrightarrow{{{t^0}}}\) CO2
100→ 100 (mol)
=> VO2 = 100.22, 4= 2240 (lít)
\( = > {V_{kk}} = \frac{{{V_{{O_2}}}.100\% }}{{20\% }} = \frac{{2240.100\% }}{{20\% }} = 11200\,(lit)\)
Ví dụ 2: Dùng hết 5 kg than (chứa 90% cacbon và 10% tạp chất không cháy) để đun nấu. Biết oxi chiếm 1/5 thể tích không khí. Hỏi thể tích không khí (ở đktc) đã dùng là bao nhiêu lít?
Hướng dẫn giải chi tiết:
Trong 5kg than chứa 90% cacbon
=> mC nguyên chất = 5.90% = 4,5 kg = 4500 gam
=> Số mol C là: \({{n}_{C}}=\frac{4500}{12}=375\,mol\)
PTHH: C + O2 \(\xrightarrow{{{t}^{o}}}\) CO2
Tỉ lệ PT: 1mol 1mol
P/ứng: 375mol → 375 mol
=> Thể tích khí oxi cần dùng là: \({{V}_{{{O}_{2}}}}=22,4.n=22,4.375=8400\) lít
Vì oxi chiếm 1/5 thể tích không khí
=> \({{V}_{kk}}=5.{{V}_{{{O}_{2}}}}=5.8400=42000\) lít
soanvan.me