Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

MB1

       “Tiếng hát đi đày” là bài thơ được rút ra từ phần “Xiềng xích” trong tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu. Đây là tiếng ca, tiếng lòng của người tù cách mạng trên đường đến nhà lao khác. Tuy nhiên bài thơ lại vang lên với giọng điệu vui tươi, phấn khởi, tạo niềm tin, hứng khởi cho người đọc.

MB2

       Tố Hữu bị giam ở nhà lao Thừa Thiên, Lao Bảo, Quy Nhơn ba năm. Đầu năm 1942, Tố Hữu bị đày lên nhà lao Đắc Lay, nơi rừng thiêng nước độc ở Tây Nguyên, nơi đày ải các nhà tù chính trị mà bọn thực dân Pháp cho là nguy hiểm. Đường lên Đắc Lay núi non trùng trùng, đèo cao dốc sâu, rừng hoang heo hút, nhưng không thiếu cảnh hùng vĩ, thơ mộng đã gợi hứng cho Tố Hữu viết “Tiếng hát đi đày”.

MB3

        Tố Hữu là một lá cờ đầu của thơ ca cách mạng với phong cách trữ tình, chính trị. Trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, tập thơ Từ ấy là một tập thơ rất xuất sắc, được tái bản nhiều lần. Bài thơ Tiếng hát đi đày là bài thơ được rút ra từ phần Xiềng xích trong tập thơ này. Bài thơ là tiếng lòng của người tù cách mạng trên đường từ nhà lao này đến nhà lao khác. Mặc dù vậy, bài thơ lại vang lên với nhịp điệu vui tươi, hứng khởi, tạo động lực cho người đọc bài thơ.

MB4

       Thơ ca từ bao đời nay luôn là tiếng nói tình cảm của trái tim yêu thương, khao khát cuộc sống. Đối với Tố Hữu, tiếng nói ấy càng mãnh liệt, tha thiết hơn bao giờ hết khi nhà thơ luôn phải đối diện với chính mình giữa bốn bức tường lao. Cho nên, chỉ một giọng hò, một tiếng chim tu hú gọi bầy, đôi ba tiếng guốc lẻ loi vang lên giữa đêm khuya vắng vẻ cũng đủ làm xao xuyến tấm lòng thi sĩ, cũng đủ để đánh thức nỗi nhớ nhung khôn nguôi về cuộc sống mà giờ đây nhà thơ đã đánh mất. Nỗi nhớ âm ỉ, lòng khát khao da diết ấy đã bùng cháy lên, trở thành tiếng hát: Tiếng hát đi đày trong một lần Tố Hữu bị giải từ nhà tù Quy Nhơn lên trại giam Đắc Lay. Tiếng hát ấy cho đến bây giờ còn vang vọng mãi trong lòng ta...

MB5

       Tố Hữu (1920 – 2002) là một nhà thơ và đồng thời là một chiến sĩ cách mạng. Thơ Tố Hữu vì vậy thường gắn liền với cuộc đời cách mạng của mình. “Tiếng hát đi đày” là bài thơ ghi lại chặng đường nhà thơ bị áp giải chuyển lao từ nhà lao Quy Nhơn đến nhà lao Đắc Lắc. Tuy trong hoàn cảnh tù đày nhưng tâm thế nhà thơ lại luôn lạc quan và hào sảng. Điều này được thể hiện rõ nhất trong đoạn thơ đầu tiên của bài thơ.

soanvan.me