Nghĩa Hưng, ngày 29 thúng 10 năm 2006

Hương thân!

Cậu sẽ rất ngạc nhiên khi đọc bức thư này. Cậu còn nhớ người bạn nhỏ nhắn ngồi cạnh cậu năm lớp chín không. Là mình đây - người có biệt danh mà cả lớp đặt Tài ruồi.

Cho mình gửi lời hỏi thăm đến hai bác và anh Dũng. Chắc mọi người cũng vẫn khoẻ chứ, còn cậu dạo này sinh sống ra sao? Có thể cậu càng ngạc nhiên vì sao mình lại biết địa chỉ của cậu đúng không? Đó là nhờ thằng Hà, lớp trưởng hồi nào mà cậu vẫn gọi là con ấy. Mình cũng đã gửi thư cho rất nhiều người bạn trong lớp. Lớp chín chia tay, vào cấp ba mỗi đứa một nơi. Mình vào Nam sinh sống cũng đã được hơn chục năm, tin tức ngoài này cũng chẳng biết. Còn về thăm thì lại càng không có thời gian. Cậu biết đấy mình là nhà báo mà. Lần này mình ra Bắc là ở lại luôn, về được mảnh đất Hà Đông mà mình sống và lớn lên ngày nào thật vui sướng. Sau khi ổn định chỗ ở, mình đã sắp xếp cho con đến trường. À! Quên mất mình chưa nói rằng mình đã lập gia đình rồi. Còn cậu, chuyện tình duyên đi đến đâụ rồi? Thôi mình cũng ít có thời gian lắm mình sẽ kể ngay chuyện cho cậu nghe. Không biết cậu có về trường cũ không, ngôi trường cấp hai Lê Lợi ấy. Hôm nay, mình đưa con đến trường thì thấy trường thật khác hoàn toàn với ngày xưa. Bao nhiêu kỉ niệm tràn về trong mình. Cổng trường không còn như xưa mà thay vào đó là cánh cửa hợp kim sơn màu xanh dịu. Sân trường lát đá hoa, sạch sẽ hơn xưa. Những bồn cây vẫn còn đó nhưng đã lớn, xoè bóng rợp mát hơn. Trường được mở rộng hơn với những dãy nhà bốn tầng trông rất hiện đại. Ngoài ra còn có cả thư viện, căng tin riêng biệt. Nhưng điều làm mình xúc động hơn cả là khi gặp lại các thầy cô cũ, cô Thọ dạy Văn chúng mình hồi lớp chín cũng đã nghỉ hưu rồi. Có cô về hưu có cô vẫn tiếp tục sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước. Các thầy cô trông già hơn xưa rất nhiều. Có lẽ tại bụi phấn, tại điều kiện làm việc trước đây chưa thật đảm bảo. Nhưng bây giờ thì khác, các thầy cô không phải viết bằng phấn nữa. Các lớp học đều có máy chiếu, máy vi tính thay cho vở và bút. Cậu biết không, mình còn gặp cô Thuỷ dạy Toán nữa, suýt nữa thì cô không nhận ra mình, còn mình cũng hơi bỡ ngỡ khi nhìn thấy cô. Nhưng ngay sau đó mình đã cùng cô ôn lại những kỉ niệm trước kia, khi mình còn là học sinh của cô. Cô kể về công việc dạy học bây giờ, công cuộc thay đổi giáo dục và những thay đổi, thăng trầm của trường. Mình vừa nghe vừa quan sát học sinh chơi đùa. Dưới ánh ban mai ấm áp, những cô cậu học trò túm tụm lại từng nhóm chơi đùa vui vẻ. Những trò chơi ngày nào hiện lên trí óc mình. Nào là đá cầu, đuổi bắt, nhảy ngựa. Mỗi trò chơi là một hình ảnh - một tia sáng ánh lên trong lòng mình dệt nên cả bức tranh kí ức của tuổi thơ. Mình nhớ về những người bạn cũ, những thầy cô, những lỗi lầm và những bản kiểm điểm đã xa, phải rồi có quá khứ thì mới có tương lai. Nếu không có sự chỉ bảo tận tình của thầy cô hồi ấy thì làm sao mình có thể đậu vào cấp ba chuyên Nguyễn Huệ rồi vào Đại học.

Cô Thuỷ hỏi mình về công việc làm ăn, gia đình ra sao. Mình trả lời tường tận cho cô và nói thêm cho cô biết về mấy đứa nữa. Cậu biết không, cậu Thịnh bây giờ cũng làm ở trường đấy, cậu ấy dạy Vật lí, trông cũng già dặn lắm. Lúc ra về mình cứ bâng khuâng mãi, rồi mình thấy ngôi trường bao năm xa cách nay lại gần gũi, thân thiết như xưa. Lòng mình lắng lại những tình cảm bất chợt cho cuộc sống xung quanh. Lúc này đây mình dành hết tâm trí mình đã được gặp lại trường, ngôi trường thân yêu gắn bó với mình, với tuồi thơ cùa mình. Mình hi vọng, ngôi trường là đôi cánh nâng cao đứa con của mình để cho nó bay thật xa vào tương lai, với hoài bão và khát vọng và kho tàng trí thức như đã từng giúp mình, ôi! Ngôi trường thân yêu!

Mình viết bức thư này với hi vọng một ngày nào, cả lớp mình sẽ đoàn tụ cùng về thăm mái trường này. Cùng ôn lại những kỉ niệm ngày xưa khi bên nhau cùng học tập và chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Và chắc cậu còn nhớ lời hứa của cả lớp chứ: Hai mươi năm sau tất cả sẽ về trường. Hẹn gặp lại cậu sau nhé.

Bạn của cậu

Lương Tài

Trích: soanvan.me