Câu 1
Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Những đứa con của Vê-rô-ni-ca
Cô Ma-ga-rét Mắc-nây là cô giáo chủ nhiệm năm học lớp ba của tôi. Ngày đầu tiên đến lớp, cô đã làm cho chúng tôi bất ngờ vì phương pháp giảng dạy mới lạ. Cô mang theo một chậu cây sen đá, mà sau này chúng tôi đặt tên là Vê-rô-ni-ca. Đây là một loài cây có thể sinh ra nhiều cây con từ một thân cây mẹ. Cô giao ước với chúng tôi, sau khi tổng kết điểm các môn học vào thứ sáu hằng tuần, bạn nào đạt điểm cao nhất sẽ được nhận một “đứa con” của Vê-rô-ni-ca.
Tất cả chúng tôi đều háo hức và cố gắng học thật tốt để nhận được một chậu cây con. Mãi đến gần giữa học kì hai, tôi mới nhận được phần thưởng này. Tôi mang thân cây nhỏ xíu ấy về nhà vô cùng tự hào vì mình là học sinh nam đầu tiên trong lớp nhận được cây sen đá này.
Đến cuối năm học, hầu như tất cả học sinh đều nhận được một “đứa con” của Vê-rô-ni-ca. Ngay cả Biu Ắc-cơ, một học sinh chậm phát triển trí tuệ, cũng đã cố gắng để nhận được phần thưởng này.
Năm tháng trôi qua, chúng tôi đã trưởng thành hơn. Hôm họp lớp, mọi người cùng im lặng hồi tưởng đến những kỉ niệm về cô Mắc-nây, về lớp ba ngày xưa, về những “đứa con” của Vê-rô-ni-ca. Và chúng tôi đã vô cùng xúc động khi nghe Biu Ắc-cơ nói:
- Trước đây, mọi người đều cho rằng tôi không thể học được vì trí óc tôi chậm phát triển. Thế nhưng, chính cô Mắc-nây là người đã thay đổi cuộc đời tôi. Mọi người biết không, khi tôi đem “đứa con” của Ve-rô-ni-ca về nhà, bố mẹ tôi xúc động đến rơi nước mắt. Đến bây giờ, tôi vẫn giữ lại các con của Vê-rô-ni-ca. Tôi luôn luôn muốn nói: “Cảm ơn cô – cô Mắc-nây kính yêu của con!”
(Theo Thái Hiền)
a/ Cô giáo mang cây sen đá đến lớp để làm gì?
b/ “Phương pháp giảng dạy mới lạ” ấy đã mang đến điều gì cho học sinh?
c/ Vì sao bạn Biu Ắc-cơ lại cảm ơn cô giáo?
d/ Theo em, khi chúng ta luôn yêu thương và động viên khích lệ nhau thì cuộc sống sẽ như thế nào?
Phương pháp giải:
a. Em đọc kĩ đoạn văn thứ nhất.
b. Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai.
c. Em đọc đoạn văn cuối cùng lời của Biu Ắc-cơ nói với mọi người.
d. Từ câu chuyện trong bài em hãy rút ra kết luận.
Lời giải chi tiết:
a. Cô giáo mang cây sen đá đến lớp để mỗi dịp thứ sáu hàng tuần cô sẽ tặng cho bạn nào được điểm cao nhất nhận một “đứa con” từ cây.
b. “Phương pháp giảng dạy mới lạ” ấy đã khiến các bạn học sinh háo hức và cố gắng học thật tốt để nhận được một chậu cây con.
c. Bạn Biu Ắc-cơ cảm ơn cô giáo vì nhờ có phương pháp giảng dạy này của cô mà bạn ấy đã thay đổi cuộc đời.
d. Khi chúng ta luôn yêu thương và động viên khích lệ nhau thì cuộc sống trở nên tươi đẹp, ý nghĩa hơn, mọi người dễ dàng cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách.
Câu 2
Tìm câu kể Ai làm gì? trong đoạn trích sau. Gạch dưới bộ phận vị ngữ trong từng câu tìm được.
Rồi tôi ung dung nhắm nhánh cỏ lũ trẻ vừa tranh nhau tuồn vào thưởng cho tôi. Làm như không thèm để ý đến câu chuyện vặt! Xiến Tóc tức rung sừng, rung rang, nhưng không biết làm thế nào, vì có lũ trẻ ngồi đông trên bãi cỏ. Cuối cùng, Xiến Tóc cất cánh vù đi.
(Theo Dế Mèn phiêu lưu kí)
Phương pháp giải:
Câu kể Ai làm gì? Là câu kể gồm hai bộ phận:
+ Chủ ngữ trả lời câu hỏi Ai (cái gì, con gì)?
+ Vị ngữ trả lời câu hỏi Làm gì?
Lời giải chi tiết:
Những câu kể Ai làm gì? Có trong đoạn văn là: (phần được gạch chân là vị ngữ của câu kể đó)
Rồi tôi ung dung nhắm nhánh cỏ lũ trẻ vừa tranh nhau tuồn vào thưởng cho tôi.
Xiến Tóc tức rung sừng, rung rang, nhưng không biết làm thế nào, vì có lũ trẻ ngồi đông trên bãi cỏ.
Cuối cùng, Xiến Tóc cất cánh vù đi.
Câu 3
Tìm câu kể Ai làm gì? trong đoạn văn sau. Nói rõ tác dụng kiểu câu kể đó.
Bấy giờ tôi còn là một chú bé lên mười. Mỗi lần đi cắt cỏ, bao giờ tôi cũng tìm bứt một nắm cây mía đất, khoan khoái nằm xuống cạnh sọt cỏ đã đầy và nhấm nháp từng cây một. Buổi chiều ở làng ven sông yên tĩnh một cách lạ lùng.
(Theo Trần Hòa Bình)
Phương pháp giải:
Câu kể Ai làm gì? Là câu kể gồm hai bộ phận:
+ Chủ ngữ trả lời câu hỏi Ai (cái gì, con gì)?
+ Vị ngữ trả lời câu hỏi Làm gì?
Lời giải chi tiết:
Câu kể Ai làm gì? Có trong đoạn văn là: Mỗi lần đi cắt cỏ, bao giờ tôi cũng tìm bứt một nắm cây mía đất, khoan khoái nằm xuống cạnh sọt cỏ đã đầy và nhấm nháp từng cây một.
- Tác dụng của câu đó là : nêu lên hoạt động của con người.
soanvan.me