Những bậc đá chạm mây
Câu 1
Quan sát các tranh minh họa, nói về sự việc trong từng tranh.
Phương pháp giải:
Em quan sát kĩ các bức tranh và nói về sự việc mà mỗi bức tranh thể hiện.
Lời giải chi tiết:
- Tranh 1: Một trận bão cuốn phăng thuyền bè, chài lưới của người dân xóm nhỏ dưới chân núi Hồng Lĩnh.
- Tranh 2: Dân làng cùng rủ nhau lên núi kiếm củi đem xuống chợ bán. Bà con phải đi đường vòng rất xa vì sườn núi ở phía họ có vách dựng đứng.
- Tranh 3: Cố Đương quyết tìm con đường lên núi ngắn nhất. Ngày ngày, ông bạt đất, khiêng đá, ghép thành từng bậc hướng thẳng lên núi
- Tranh 4: Nhiều người trong xóm tình nguyện đến làm cùng cố Đương. Sau năm năm, con đường được mở thành công.
Câu 2
Kể lại từng đoạn câu chuyện theo tranh.
Phương pháp giải:
Em dựa vào bài tập 1 để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
- Đoạn 1 – Tranh 1:
Ngày xưa, dưới chân núi Hồng Lĩnh có một xóm nhỏ, người dân sống bằng nghề đánh cá. Một ngày kia, một trận bão cuốn phăng thuyền bè, chài lưới của họ.
- Đoạn 2 – Tranh 2:
Dân làng chỉ còn cách lên núi kiếm củi đem xuống chợ bán. Sườn núi phía họ ở vách dựng đứng, bà con phải đi đường vòng rất xa
- Đoạn 3 – Tranh 3:
Trong xóm, có ông lão luôn sẵn lòng đương đầu với khó khăn, bất kể là việc của ai. Vì thế, mọi người gọi ông là cố Đương. Thấy mọi người đi xa vất vả, cố Đương một mình bám đá, leo cây, tìm con đường lên núi ngắn nhất. Ông bàn với bà con ghép đá thành bậc thang vượt núi. Ai cũng can ngăn, nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Ngày ngày, ông bạt đất, khiêng đá ghép thành từng bậc hướng thẳng lên núi. Công việc biết bao nặng nhọc.
- Đoạn 4 – Tranh 4:
Về sau, nhiều người trong xóm cũng tình nguyện đến làm cùng. Sau năm năm, cố Đương đã mở được con đường ngắn nhất từ xóm lên núi Hồng Lĩnh. Con đường được ghép bằng đá khiến cho việc lên, xuống núi rất tiện. Cả xóm biết ơn cố Đương, tặng thêm cho ông một tên mới là cố Ghép, con đường vượt núi được gọi là Truông Ghép.