Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Tìm hiểu chung

Video hướng dẫn giải

Bố cục: 2 phần

Ba khổ thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của nhà thơ.

Hai khổ thơ cuối: Tình yêu quê hương, đất nước thầm kín, sâu sắc. 

Câu 1

Video hướng dẫn giải

Câu 1 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

- Ý nghĩa của câu đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài": 

  + Mở ra không gian vũ trụ khoáng đạt với nhiều chiều kích ("rộng", "dài") của các đối tượng lớn lao ("trời", "sông").

  + Trời và sông bị ở hoàn cảnh xa cách thấm đẫm nỗi nhung nhớ, bâng khuâng.

- Câu đề từ thâu tóm tinh thần của toàn bài thơ:

  + Cảm hứng thiên nhiên sông nước

  + Tâm trạng bâng khuâng, sầu nhớ của con người.

Câu 2

Video hướng dẫn giải

Câu 2 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

Âm điệu chung của bài thơ: Âm điệu buồn lặng, triền miên, suy tư, trầm lắng. Âm điệu này được tạo nên bởi:

- Nhịp thơ: chủ yếu là nhịp 4/3 quen thuộc, đều đặn.

- Ngôn ngữ: dùng nhiều từ láy tạo sự lặp âm, nhiều từ Hán Việt gợi sắc suy tư, sâu lắng, cổ kính.

Câu 3

Video hướng dẫn giải

Câu 3 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

Bức tranh thiên nhiên trong bài vừa cổ điển vừa gần gũi, thân thuộc:

- Màu sắc cổ điển:

  + Đề tài quen thuộc: thiên nhiên (cảm hứng về dòng sông).

  + Hình ảnh ước lệ, tượng trưng, quen thuộc: "dòng sông", "con thuyền cánh chim", "mây", "núi", "khói hoàng hôn".

  + Phong vị Đường thi: nhịp thơ 4/3, thể thơ thất ngôn, bút pháp tả cảnh ngụ tình, sử dụng thi liệu cổ, nhiều từ Hán Việt cổ kính, tâm thế sầu muộn của con người bé nhỏ trước không gian bao la rợn ngợp...

- Màu sắc hiện đại, gần gũi, thân thuộc:

  + Hình ảnh bình dị, gần gũi: "củi một cành khô", "tiếng làng xa vãn chợ chiều", "bèo dạt".

  + Thiên nhiên hiện lên qua cảm nhận và nỗi niềm của cái tôi hiện đại.

Câu 4

Video hướng dẫn giải

Câu 4 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

Tình yêu thiên nhiên trong bài thấm đượm lòng yêu nước thầm kín:

- Yêu thiên nhiên:

   + Bức tranh thiên nhiên tuy buồn vắng, rợn ngợp nhưng cũng rất đỗi thơ mộng, đẹp đẽ. 

   + Ẩn chứa tấm lòng thiết tha của nhà thơ với dòng sông quê hương đất nước.

- Nỗi cô đơn, lạc lõng của cái tôi cá nhân giữa không gian vũ trụ bao la và tấm lòng “nhớ nhà” của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

=> Kín đáo bày tỏ nỗi buồn thế hệ của Huy Cận và thanh niên đương thời khi đất nước còn trong vòng nô lệ của thực dân Pháp.

Câu 5

Video hướng dẫn giải

Câu 5 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

Đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ:

- Thể thơ thất ngôn được sử dụng nhuần nhuyễn với cách ngắt nhịp, gieo vần, đăng đối hài hòa, tròn trịa.

- Thủ pháp tương phản: "thuyền về nước lại", "nắng xuống trời lên", "sông dài trời rộng", cánh chim nhỏ bé – bóng chiều mênh mông → vừa gợi sự chia cách (những động từ ngược hướng đi kèm), vừa gợi không gian rợn ngợp đa chiều kích của vũ trụ, từ đó nhấn mạnh sự bé nhỏ, lạc lõng của con người.

- Hệ thống từ láy: "tràng giang", "điệp điệp", "song song", "đìu hiu", "lớp lớp", "dợn dợn"… tạo âm điệu triền miên như những con sóng.

- Các biện pháp tu từ: tả cảnh ngụ tình, ước lệ tượng trưng, đối, cách kết hợp từ lạ “sâu chót vót”, “buồn điệp điệp”.

- Hình ảnh chọn lọc, gợi cảm

- Ngôn ngữ cô đọng, vừa cổ kính vừa hiện đại.

=> Bài thơ vừa cổ điển vừa hiện đại.

Luyện tập

Câu 1 (trang 30 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

Cách cảm nhận không gian, thời gian trong bài thơ có những điểm đáng chú ý như:

- Không gian: mênh mông, rộng lớn, mang tầm vũ trụ: trời rộng, sông dài.

+ Hình ảnh con thuyền cứ khuất dần rồi xa mờ hẳn, nước đành chia “sầu trăm ngả” không gian giờ đã được mở rộng ra đến trăm ngả, vô tận mênh mang không có lấy một điểm tựa nào,…

+ Hai câu thơ cuối của khổ 2 đã mở ra một không gian ba chiều: chiều sâu, xa và cao. Từ chiều dọc không gian mở ra chiều ngang, lan tỏa đôi bờ. Chiều thứ ba của không gian vũ trụ mở ra bầu trời sâu chót vót.

+ Không gian luôn mang một màu buồn man mác, trôi xa, vẫn hắt hiu, vẫn xa vắng lạ lùng

- Giữa không gian mênh mông, buồn như vậy thì thời gian cũng như được kéo dài ra, trải dài hơn.

Câu 2 (trang 30 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

- Câu thơ cuối: "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" gợi nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu:

   Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

      Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

        (Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

             Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)

            (Tản Đà dịch)

- Cũng là nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương trong buổi chiều tàn nhưng hai câu thơ của Huy Cận không phải lặp lại hoàn toàn ý thơ của Thôi Hiệu. Thôi Hiệu buồn, nhớ quê vì ngoại cảnh (khói sóng trên sông). Còn Huy Cận, không cần mượn tới khói sóng, lòng nhà thơ đã sầu buồn. Nỗi buồn ấy là nỗi buồn vạn cổ của con người cô đơn giữa vũ trụ rợn ngợp, bao la.

Tổng kết

Qua bài thơ mới mang vẻ đẹp cổ điển, Huy Cận đã bộc lộ nỗi sầu của một "cái tôi" cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà tha thiết.

soanvan.me