Đề bài
A. PHẦN I: KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)
GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.
1. Ông Trạng thả diều (Trang 104 – TV4/T1)
2. Vẽ trứng (Trang 120 – TV4/T1)
3. Văn hay chữ tốt (Trang 125 – TV4/T1)
4. Chú đất Nung (Trang 134 – TV4/T1)
5. Cánh diều tuổi thơ (Trang 146 – TV4/T1)
6. Tuổi Ngựa (Trang 149 – TV4/T1)
7. Kéo co (Trang 155 – TV4/T1)
8. Rất nhiều mặt trăng (tiếp theo) (Trang 168 – TV4/T1)
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Sự tích các loài hoa
Ngày xưa, chỉ ở thiên đường mới có hoa, còn trên mặt đất chưa có loài hoa nào. Mãi về sau, nhận ra sai sót ấy, trời mới sai Thần Sắc Đẹp vẽ hoa cho các loài cây. Vẽ xong, Thần muốn tặng hương cho chúng nhưng lại không mang đủ hương cho tất cả. Thần quyết định sẽ chỉ tặng hương thơm cho những loài hoa có tấm lòng thơm thảo.
Thần hỏi hoa hồng:
– Nếu có hương thơm ngươi sẽ làm gì?
– Con sẽ nhờ chị Gió mang tặng cho muôn loài.
Thần liền tặng hoa hồng làn hương quý báu.
Gặp hàng râm bụt đỏ chót, Thần hỏi :
– Nếu có hương thơm người sẽ làm gì?
Râm bụt trả lời :
– Con sẽ khiến ai cũng phải nể mình.
Nghe vậy, Thần bỏ đi. Đi mãi, tặng gần hết bình hương, gặp hoa ngọc lan, Thần lại hỏi :
– Nếu có hương thơm ngươi sẽ làm gì?
Ngọc lan ngập ngừng thưa :
– Con cảm ơn Thần. Nhưng xin Thần ban tặng cho hoa cỏ ạ.
Thần ngạc nhiên hỏi :
– Hoa nào cũng muốn có hương thơm. Lẽ nào ngươi không thích ?
– Con thích lắm ạ. Nhưng con đã được ban cho làn da trắng trẻo, lại ở trên cao. Còn bạn hoa cỏ thì mảnh dẻ, lại ở sát đất. Nếu có hương thơm, bạn ấy sẽ không bị người ta vô tình dẫm lên.
Cảm động trước tấm lòng thơm thảo của ngọc lan. Thần Sắc Đẹp ban tặng cho loài hoa ấy hương thơm ngọt ngào hơn mọi loài hoa.
Theo Intemet
1. Thần Sắc Đẹp quyết định ban tặng hương thơm cho những loài hoa như thế nào? (0.5 điểm)
A. Những loài hoa có tên thật đẹp và sang trọng
B. Những loài hoa có vẻ ngoài đẹp nhất, rực rỡ nhất
C. Những loài hoa có tấm lòng thơm thảo.
D. Những loài hoa có nguồn gốc, dòng dõi cao quý
2. Theo em, tại sao Thần Sắc Đẹp lại quyết định như vậy? (0.5 điểm)
A. Vì đó là quy định ở trên thiên đường
B. Vì Thần Sắc Đẹp không mang đủ hương cho tất cả
C. Vì Thần Sắc Đẹp muốn các loài hoa phải thi tài, phải ganh đua nhau khoe sắc để có được mùi hương mà mình mong muốn.
D. Vì Thần Sắc Đẹp sợ các loài hoa sẽ đẹp và thơm hơn mình.
3. Câu trả lời của Hoa Hồng thể hiện tấm lòng thơm thảo như thế nào? (0.5 điểm)
A. Biết mang đến niềm vui và hạnh phúc cho muôn loài.
B. Biết gìn giữ và bảo vệ mùi hương của mình.
C. Biết gìn giữ và bảo vệ tấm lòng thơm thảo của mình.
D. Xứng đáng là chúa tể của các loài hoa
4. Câu trả lời của Ngọc Lan thế hiện tấm lòng thơm thảo như thế nào? (0.5 điểm)
A. Tấm lòng thanh khiết, trinh bạch
B. Biết nhường nhịn và chia sẻ cho những cuộc đời khó khăn hơn mình.
C. Biết gìn giữ và bảo vệ tấm lòng thơm thảo của mình.
D. Biết âm thầm tỏa hương dù chẳng ai chú ý đến mình
5. Vì sao Hoa Râm Bụt không được Thần ban tặng hương thơm? (0.5 điểm)
A. Vì Hoa Râm Bụt thường mọc ngoài bụi rậm là nơi không xứng đáng có được hương thơm.
B. Vì Hoa Râm Bụt có vẻ ngoài xấu xí, không xứng đáng có được hương thơm.
C. Vì Hoa Râm Bụt tính cách kiêu ngạo, ích kỉ và hống hách.
D. Vì tổ tiên của Hoa Râm Bụt có mối thù với Thần Sắc Đẹp
6. Trong câu: “Thần liền tặng Hoa Hồng làn hương quý báu.” Bộ phận nào là chủ ngữ, bộ phận nào là vị ngữ? (0.5 điểm)?
A. CN: Thần liền tặng; VN: Hoa Hồng làn hương quý báu.
B. CN: Thần; VN: liền tặng Hoa Hồng làn hương quý báu.
C. CN: Thần liền tặng Hoa Hồng; VN: làn hương quý báu.
D. Tất cả các đáp án trên đều sai.
7. Tìm năm từ ngữ có nghĩa trái ngược với ý chí và nghị lực. Đặt câu với một trong năm từ đó. (1 điểm)
8. Tìm các từ láy có trong câu chuyện Sự tích các loài hoa. (1 điểm)
9. Em hãy đặt một câu có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ thuộc câu kể Ai làm gì? (1 điểm)
B. KIỂM TRA VIẾT (10 ĐIỂM)
I/ Chính tả (4 điểm)
Kéo co
Làng Tích Sơn thuộc thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lại có tục thi kéo co giữa trai tráng hai giáp trong làng. Số người của mỗi bên không hạn chế. Nhiều khi, có giáp thua keo đầu, tới keo thứ hai, đàn ông trong giáp kéo đến đông hơn, thế là chuyển bại thành thắng. Sau cuộc thi, dân làng nổi trống mừng bên thắng. Các cô gái làng cũng không ngớt lời ngợi khen những tràng trai thắng cuộc.
Theo Toan Ánh
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Tả cái bàn học của em.
Lời giải chi tiết
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 ĐIỂM)
1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.
- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.
II/ Đọc hiểu (6 điểm)
1. (0.5 điểm) C. Những loài hoa có tấm lòng thơm thảo.
2. (0.5 điểm) B. Vì Thần Sắc Đẹp không mang đủ hương cho tất cả
3. (0.5 điểm) A. Biết mang đến niềm vui và hạnh phúc cho muôn loài.
4. (0.5 điểm) B. Biết nhường nhịn và chia sẻ cho những cuộc đời khó khăn hơn mình.
5. (0.5 điểm) C. Vì Hoa Râm Bụt tính cách kiêu ngạo, ích kỉ và hống hách.
6. (0.5 điểm) B. CN: Thần; VN: liền tặng Hoa Hồng làn hương quý báu.
7. (1 điểm)
- Năm từ ngữ có nghĩa trái ngược với ý chí và nghị lực :đầu hàng, nhụt chí, ngã lòng, bỏ cuộc, từ bỏ, …
- Đặt câu: Chỉ mới gặp một chút khó khăn, anh ta đã nghĩ tới việc bỏ cuộc.
8. (1 điểm)
Các từ láy có trong câu chuyện đó là: ngập ngừng, trắng trẻo, ngọt ngào
9. (1 điểm)
Đặt câu: Mẹ em đi bẻ ngô.
B. KIỂM TRA VIẾT
I/ Chính tả (4 điểm)
- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm
- Chữ viết rõ ràng, viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm
- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm
- Trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm
II/ Tập làm văn (6 điểm)
Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:
* Về nội dung:
A. Mở bài (0.75 điểm)
Giới thiệu cái bàn học của em.
B. Thân bài (2.5 điểm)
- Tả bao quát cái bàn học
- Tả chi tiết cái bàn học
- Nói về công dụng và sự gắn bó của em đối với bàn học
C. Kết bài (0.75 điểm)
Tình cảm của em đối với cái bàn học
* Về hình thức:
- Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5 điểm
- Dùng từ, diễn đạt tốt: 1 điểm
- Bài viết có sáng tạo: 0.5 điểm
Bài viết tham khảo:
Năm nay em đã lên lớp Bốn. Do em phải học bài và làm nhiều bài tập về nhà, bố mẹ đã sắp xếp cho em một góc học tập ngăn nắp, thoáng mát. Đặc biệt hơn cả là cái bàn học xinh xắn đặt kề cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh rợp bóng.
Bàn được làm bằng gỗ tạp, chưa phải là gỗ tốt nhưng nhờ được đánh véc-ni nên rất bóng loáng, cùng màu nâu sẫm như ghế và giá sách. Mặt bàn hình chữ nhật, bề dài đúng một sải tay em, bề rộng vừa đủ ba gang, hơi xuôi về phía em đặt ghế, tạo tư thế thoải mái khi em ngồi viết. Độ bóng của véc-ni càng làm nổi rõ những đường vân gỗ rất đẹp. Mép bàn phía trước có một đường rảnh dài, lõm xuống giúp em đựng bút, thước, tẩy... khỏi bị lăn xuống theo độ dốc của bàn. Bên dưới mặt bàn là một ngăn hộc khá rộng, em có thể kéo ra đóng vào dễ dàng khi nắm vào cái tay cầm bằng sắt. Trong ngăn hộc này, em đựng dụng cụ học môn kĩ thuật, bộ đò dùng học toán, nhiều hộp phấn viết bảng trắng lẫn màu, thậm chí có cả mớ dây thun tết hình con rết, nắm sỏi tròn để chơi ô quan... Bốn chân bàn là những thanh gỗ vuông to và cứng cáp, các góc mép được bào nhẵn. Ba thanh gỗ dẹp hơn đóng thành hình chữ H ở chân bàn phía gần mặt đất giữ cho các chân bàn được vững vàng chắc chắn hơn.
Mỗi khi học xong em thường thu dọn sách vở và các thứ trên mặt bàn cho gọn ghẽ rồi lau bàn bằng khăn vải mềm. Không bao giờ em lơ đễnh hay cố ý viết, vẽ bậy lên mặt bàn. Vì vậy mà dùng đã nửa năm bàn vẫn còn mới.
Em yêu quý cái bàn này lắm bởi ngày nào nó cũng cùng em học tập miệt mài. Áp má lên mặt bàn, em nghe mát rượi như có ngọn gió nào thổi từ khu rừng xa xưa nơi cây gỗ này sinh sống. Em tưởng như nghe được lời gió thì thầm nhắc nhở: "Cô chủ ơi, gắng học lên! Chúng tôi tin tưởng nhiều ở cô đấy nhé!".
soanvan.me