Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Chỉ ra và sửa lại lỗi về trật tự từ trong các câu sau:

a. Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) chỉ có duy nhất ở Việt Nam trên kênh VTC.

b. Tên trộm khai nhận đã thực hiện nhiều vụ trộm ở trụ sở công an.

c. Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều. (Dẫn theo Nguyễn Đức Dân)

d. Anh ấy đóng cửa lại, từ tốn nói lời chào tôi rồi đi vào nhà.

đ. Đây là bộ phim về ngày tận thế nổi tiếng của Mỹ.

e. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp kiên cường, nhân dân ta đã thể hiện một sức sống mãnh liệt.

Phương pháp giải:

Đọc lý thuyết tại phần Tri thức Ngữ Văn.

Lời giải chi tiết:

a.

- Lỗi thừa từ trong cụm “chỉ có duy nhất” (“chỉ có” và “duy nhất” mang nghĩa tương đương nhau).

- Sửa lại: Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) chỉ có ở Việt Nam trên kênh VTC.

b.

- Lỗi sai: sắp xếp trật tự từ không hợp lí.

- Sửa lại: Ở trụ sở công an, tên trộm khai nhận đã thực hiện nhiều vụ trộm.

c.

- Lỗi sai: sắp xếp các hành động không theo một trình tự hợp lí.

- Sửa lại: Họ nằm xuống, úp cái nón lên mặt, ngủ một giấc cho đến chiều.

d.

- Lỗi sai: sắp xếp các hành động không theo một trình tự hợp lí.

- Sửa lại: Anh ấy từ tốn nói lời chào tôi rồi đi vào nhà, đóng cửa lại.

đ.

- Lỗi sai: sắp xếp trật tự từ không hợp lí (nổi tiếng của Mỹ đặt ở cuối câu bổ sung ý nghĩa cho ngày tận thế gây ra nhầm lẫn).

- Sửa lại: Đây là bộ phim nổi tiếng của Mỹ về ngày tận thế.

e.

- Lỗi sai: Sắp xếp trật tự từ không hợp lí (kiên cường đặt sau thực dân Pháp gây hiểu nhầm là kiên cường bổ sung ý nghĩa cho thực dân Pháp).

- Sửa lại: Trong cuộc đấu tranh kiên cường chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã thể hiện một sức sống mãnh liệt.

Câu 2

Bạn hãy tìm hai câu sai về trật tự từ trên một tờ báo và chữa lại cho đúng.

Phương pháp giải:

     Tìm lỗi sai về trật tự từ trên một tờ báo rồi sửa lại.

Lời giải chi tiết:

- Hai câu sai về trật tự từ trên một tờ báo:

Gà vịt lén lút bán tràn lan.

Yên Bái: giao lưu sư phạm các trường cụm Trung Bắc.

- Sửa lỗi:

Lén lút bán gà vịt khắp nơi.

Yên Bái: các trường cụm Trung Bắc giao lưu sư phạm.

Câu 3

Đọc các câu sau:

a1. Chàng lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. (Thạch Lam)

a2. Chàng cúi mình nhìn ra phía ao, lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ.

b1. Thanh lách cách cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. (Thạch Lam)

b2. Thanh nhẹ nhàng bước vào, lách cách cửa gỗ để khép.

c1. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. (Thạch Lam)

c2. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân của Nga xinh xắn, ngày nào, đi trên đó.

Câu a2, b2, c2 đã thay đổi trật tự từ so với câu a1, b1, c1. Việc thay đổi như vậy có phù hợp không? Vì sao?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đề bài.

- Đọc lại lí thuyết tại phần Tri thức Ngữ Văn.

Lời giải chi tiết:

Việc thay đổi trật tự từ như vậy là không phù hợp. Bởi:

- Với câu a2, b2 không đảm bảo được về logic ngữ nghĩa của câu.

- Với câu c2 không đảm bảo về ngữ pháp trong câu.

Câu 4

Nhận xét về việc sắp xếp trật tự các vế trong câu sau:

  Thanh bước lên thềm, đặt va li trên chiếc trường kỉ, rồi ngó đầu nhìn vào trong nhà: bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào; Thanh chưa nhìn rõ thấy gì cả; một lát, quen bóng tối, chàng mới nhận thấy cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày chàng đi xưa. (Thạch Lam)

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ đoạn văn.

- Nhận xét về cách sắp xếp trật tự từ.

Lời giải chi tiết:

Việc sắp xếp trật tự từ các vế trong câu đã đảm bảo về mặt lo-gic ngữ nghĩa.

Câu 5

Phân tích nét độc đáo của các từ ngữ được sử dụng trong câu thơ:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

                                                        (Quang Dũng)

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ câu thơ.

- Chỉ ra nét độc đáo.

Lời giải chi tiết:

     Câu thơ Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm hầu hết đều sử dụng thanh trắc. Chính những thanh trắc ấy, những sự nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy trên con đường hành quân của người lính Tây Tiến được hiện rõ qua từng câu, từng chữ. Nhịp thơ 4/3 như bẻ đôi câu thơ tạo thành hai phần riêng biệt, hai hướng lên xuống của những con dốc nối tiếp nhau.

Câu 6

Đọc đoạn thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến và thực hiện các yêu cầu:

a. Chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng các từ Hán Việt trong đoạn thơ.

b. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong cụm từ về đất và phân tích hiệu quả của biện pháp đó.

Phương pháp giải:

- Đọc lại đoạn thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến.

- Chú ý các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn.

- Chú ý cụm từ về đất.

Lời giải chi tiết:

a.

- Các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn thơ: biên cương, viễn xứ, chiến trường, áo bào, độc hành.

- Tác dụng: giúp đoạn thơ trở nên trang trọng hơn khi nói về sự hi sinh của người lính Tây Tiến.

b.

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong cụm từ về đất: nói giảm nói tránh (về đất: ý nói đến cái chết).

- Tác dụng: tránh cảm giác đau thương, buồn bã khi nói về sự hi sinh cao cả của người lính Tây Tiến. Đồng thời thể hiện quan niệm về cuộc đời của tác giả (về đất: về nơi con người ta thuộc về để được bao bọc, che chở), tạo thế chủ động của người lính.

Từ đọc đến viết

Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) kể về một kỉ niệm có ý nghĩa sâu sắc với bạn.

Phương pháp giải:

Hồi tưởng về kỉ niệm có ý nghĩa sâu sắc đối với bản thân.

Lời giải chi tiết:

     Ai trong chúng ta cũng có những kỉ niệm khó quên và tôi cũng vậy. Buổi học tiết văn ngày hôm đó, tôi bị đau bụng, cứ nghĩ rằng đó chỉ là cơn đau bình thường nhưng mỗi lúc một nặng hơn. Cô giáo và các bạn đã đưa tôi xuống phòng y tế và nghi tôi bị đau ruột thừa. Do tính chất công việc nên bố mẹ tôi đi công tác xa, hôm ấy cô là người đưa tôi vào viện. Sau khi phẫu thuật xong xuôi, tôi ngủ một giấc. Khi tỉnh dậy, tôi vẫn thấy cô bên cạnh. Từng lời hỏi han, an ủi, động viên, từng hành động chăm sóc kĩ càng của cô khiến tôi như bé lại và thực sự xúc động. Cô vẫn luôn dịu dàng như thế, vẫn luôn quan tâm đến học sinh của mình như thế. Có lẽ, cô chính là minh chứng tiêu biểu cho câu nói “Cô giáo như mẹ hiền” và đây sẽ là kỉ niệm mà tôi luôn khắc ghi trong tim.