Kim Trọng là một trong ba nhân vật đẹp nhất trong "Truyện Kiều" thể hiện cảm hứng nhân văn về tình yêu tự do giữa đôi lứa “Người quốc sắc, kẻ thiên tài". Kiều gặp Kim Trọng: Kiều - Kim tình tự, thề nguyền. Kim Trọng trở lại vườn Thúy, “Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa" là 4 đoạn thơ đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về nhân vật Kim Trọng.
Đoạn thơ "Kiều gặp Kim Trọng" mãi mãi xanh non và ngào ngạt sắc hương trong lòng người, sắc hương của mối tình đầu. Nguyễn Du đã thể hiện một bút pháp nghệ thuật đặc sắc về tả người, tả cảnh, tả tình để xây dựng nên bức chân dung một văn nhân lý tưởng trong con mắt và tâm hồn của giai nhân.
Mở đầu là tiếng nhạc vàng, khúc nhạc của tình yêu, ánh sáng của tình yêu, ở đâu đó. nghe rõ dần; tiếng nhạc vàng làm rung động và xôn xao cảnh vật, lòng người:
“Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đó tiếng nghe gần gần."
Nhân vật Kim Trọng được miêu tả từ xa đến gần, qua cái lắng nghe và sự bâng khuâng dõi nhìn của người đẹp. Một phong thái trang nhã “lưng túi gió trăng". Một sự cao sang có vài chú tiểu đồng "sai chân theo" hầu. Một con tuấn mã sắc trắng như tuyết. Và màu áo xanh non của cỏ xuân với màu xanh thanh thiên của da trời hòa hợp nên, sắc áo của tài tử văn nhân ngày xưa. Nhịp thơ chậm rãi khoan thai. Cảnh vật và con người hiện hình qua một gam màu tươi sáng, thanh khiết:
“Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau lưng theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời."
Cái nét đẹp khoan thai khi ngồi trên yên ngựa “lỏng buông tay khấu" hòa hợp với phong thái ung dung lúc “bước lần dặm băng”, khi lần bước dặm xanh. Văn nhân ứng xử rất trang nhã, lịch sự theo đúng lễ giáo và phong cách kẻ sĩ:
“Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình."
Mỗi bước đi của văn nhân, cảnh vật như sáng bừng lên; cỏ cây, không gian có một sự hóa thân kỳ diệu, trở nên diễm lệ ngào ngạt sắc hương:
Tình yêu của đôi lứa thanh tân nảy nở từ màu xanh ấy trong sự giao hòa của cây quỳnh cành dao.
Sau khi Vương Quan ra chào, chị em Kiều “ E lệ nép vào dưới hoa", văn nhân thật sự xuất hiện. Từ xa đến gần, từ ngoại hình đến phong cách, nhà thơ mới từng bước từng bước giới thiệu về họ tên, về gia thế, về học vấn, về tài năng của "khách". Y nhân trước mặt hai ả tố nga là một thiền tài, một mẫu người lý tưởng của thời đại:
“Nguyên người quanh quất đâu xa.
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa."
Kim Trọng, cả tâm hồn lẫn trí tuệ, tính cách là sự hun đúc tài năng của “văn chương nết đất", là sự hội tụ bao vẻ đẹp của trời "thông minh tính trời”. Xuất thân trong một gia đình quyền quý, rất giàu có (phú hậu), tài năng lỗi lạc nổi tiếng trong thiên hạ (bậc tài danh). Kim Trọng mang vẻ đẹp tuấn tú "tót vời", vẻ đẹp "hào hào", “phong nhã".
Nguyễn Du đã sử dụng một hệ thống từ ngữ Hán Việt để nói về Kim Trọng với tất cả sự quý mến, trân trọng, đồng thời thể hiện tính cách nhân vật trên bình diện xã hội: trâm anh, phú hậu, tài danh, văn chương, thông minh, phong tư, phong nhã, hào hoa.
Kim Trọng với Vương Quan là “đồng thân”, bạn học thân thiết. Và đã bấy lâu nay từng khao khát mơ tưởng “trộm dấu thầm yêu" hai Kiều mà chưa một lần hội ngộ. Hội Đạp thanh này đối với chàng Kim là dịp "thỏa lòng tìm hoa'". Một cái "nhác thấy" mà đã “Mặn mà" biết bao:
"Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan, thu cúc mận mà cả hai."
Phải đa tình và có “con mắt tinh đời" nhạy cảm, Kim Trọng mới có thể cảm nhận đựợc cái vẻ mơn mởn của lan mùa xuân, cái đằm thắm dịu dàng của cúc mùa thu từ "bóng hồng" ấy. Không hẹn mà liên:
“Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e."
Hai trái tim đa tình, đa cảm đã có một tiếng nói chung. Thế nhưng vẫn dịu dàng, e ấp và kín đáo: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người đẹp đã làm cho chàng Kim choáng váng: "Chập chờn cơn tỉnh cơn mê". Trước tiếng sét ái tình. Kim Trọng vốn hào hoa, phong nhã đã làm chủ được tâm hồn trong một cuộc tình trường: "Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn". Cuộc chia li không thể không diễn ra. Khoảnh khắc chia li của lứa đôi trong buổi đầu gặp gỡ mang theo bao tình lưu luyến. Hai về tiểu đối mà ra hai phía chân trời, tình lưu luyến mến thương kéo dài vô tận:
“Khách đà lên ngựa người còn ghé theo"
“Kẻ thiên tài" đã mang theo hình hóng “người quốc sắc" trở về nhà. Chiếc cầu và dòng nước trong veo, cành tơ liễu và bóng chiều thướt tha như những chứng nhân cho một thiên diễm tình giữa giai nhân và tài tử. Khách văn nhân hào hoa đa tình có bao giờ quên được "nơi kỳ ngộ” ấy:
“Dưới cầu nước chảy trong veo,
Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha."
Cảnh vật và hồn người đã để lại dấu ấn trong lòng mỗi chúng ta qua một vần thơ tả cảnh ngụ tình tuyệt bút.
Nguyễn Du đã có những cách nói rất hay, rất đẹp về Kim Trọng: văn nhân, bậc tài danh, phong nhã, hào hoa, kẻ thiên tài... Kim Trọng là hình ảnh đẹp nhất về khách tài tử, đa tình xuất hiện trong đoạn thơ đã làm nổi bật chủ đề tình yêu tự do và cảm hứng nhân văn của Truyện Kiều. Nguyễn Du đã miêu tả nhân vật Kim Trọng bằng bút pháp ước lệ, diễn tả bằng một hệ thống từ ngữ Hán Việt để làm nổi bật chất tài hoa phong tình của kẻ thiên tài. Cảnh vật thiên nhiên từ dặm xanh đến dòng nước trong veo. Từ chiếc cầu, cành tơ liễu đến bóng chiều - đều đã trở thành cái nền thơ mộng, làm hiện lên hình ảnh chàng Kim trong buổi đầu gặp gỡ người đẹp. Có thể nói bao trùm bức chân dung Kim Trọng là một màu sắc lãng mạn đầy chất thơ.
Kim Trọng là mẫu người thiên tài lý tưởng. Hấp dẫn hơn, chàng Kim là khách tài từ đa tình tiêu biểu cho khát vọng tình yêu đôi lứa. Nhân vật Kim Trọng rất thực và rất mới, rất gần gũi với tuổi trẻ ngày nay có lẽ vì thế.
Trích: soanvan.me