Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải là ba nhân vật đã gắn bó với số phận và đời sống tình cảm của Thúy Kiều. Mối tình Kim - Kiều là mối tình đầu tuyệt đẹp giữa “Người quốc sắc, kẻ thiên tài", đã nặng tình thề nguyền “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương". Mối tình giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều là quan hệ “Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”. Từ Hải với Thúy Kiều đã gắn bó với nhau bằng mối tình tri kỷ giữa "trai anh hùng, gái thuyền quyên". Những nhân vật ấy đã được thi hào Nguyễn Du thể hiện một cách tuyệt đẹp, làm cho cảm hứng nhân văn lung linh tỏa sáng trên những trang thơ Truyện Kiều.
Đọc đoạn thơ Kiều gặp Từ Hải qua nghệ thuật tả người của một ngòi bút thiên tài, qua nhân vật Từ Hải ta cảm nhận được ước mơ về tự do và công lý trong xã hội phong kiến.
Lúc bấy giờ Kiều đang sống ở Châu Thai trong tay Bạc Bà, Bạc Hạnh:
Thoắt buôn về, thoắt bán đi,
Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!
Trong cảnh ngộ ấy, “khách biên đình", nơi biên ải xa xôi đã đến với Kiều. Đó là một đêm mùa thu “ gió mát, trăng thanh". Hai chữ “bỗng đâu" nói lên sự bất ngờ, đột ngột:
Lần thâu gió mát, trăng thanh,
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
Không phải là một văn nhân với tiếng “nhạc vàng”, với "cỏ pha màu áo nhuộm non da trời". Cũng không phải là người “trăm nghìn đổ một trận cười như không". Mà là “một đấng anh hùng" có cốt cách phi thường:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Những ẩn dụ, những số đo ấy tuy mang tính chất ước lệ tượng trưng của thi pháp cổ, nhưng với cách ngắt nhịp 2/2/2 ở câu lục và 4/4 ở câu bát, giọng thơ trở nên mạnh mễ đầy ấn tượng về một tướng mạo phi phàm, uy nghi. “Khách biên đình" có võ nghệ cao cường vô địch, có trí dũng “lược thao gồm tài". Đó là một anh hùng xuất chúng:
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Lai lịch bí mật của “khách" được hé lộ dần về họ, tên, quê quán, về chí khí “giang hồ" của một khách cung kiếm, sống một cuộc đời tự do:
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Nguyễn Du đã sử dụng một số từ Hán Việt như: “đấng anh hào", “côn quyền", “lược thao", “giang hồ", “vẫy vùng” để khắc họa tính cách anh hùng và khát vọng tự do của nhân vật Từ Hải. Các phụ âm “đ” trong các từ ngữ như : “đường đường”, “đấng", “đội trời, đạp đất", “ở đời", “Việt Đông", làm cho giọng thơ vang lên hùng hồn, mạnh mẽ. Sau này khi Từ công đã chết, Thúc Sinh còn nhắc lại đầy ngưỡng mộ:
“Đại vương tên Hải họ Từ,
Đánh quen trăm trận, sức dư muôn người.
... vẫy vùng trong bấy nhiêu niên,
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng,
Đại quân đồn đóng cõi đông…"
Có thể nói, Nguyễn Du đã dùng những từ ngữ, hình ảnh tráng lệ nhất, giọng thơ hùng tráng nhất, để ca ngợi cốt cách phi thường, thói giang hồ tự do, chí khí anh hùng của Từ Hải.
Từ Hải còn là một anh hùng rất đa tình. Buổi gặp gỡ đầu tiên có thiếp danh trang trọng, nhiều tâm đắc tương tri: “cùng liếc... cùng ưa". Người đẹp đã làm cho đấng anh hào phải xiêu lòng. Cũng là khoảnh khắc “ban đầu lưu luyến" của lứa đôi:
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa.
Cuộc đối thoại tại “lầu hồng" giữa anh hùng và giai nhân đã làm nổi bật thêm những nét đẹp trong tâm hồn Từ Hải. Đến “lầu hồng" gặp Kiều, Từ Hải không phải vì tình “trăng gió” mà là “tâm phúc lương cờ", đi tìm “tri kỷ". Vì vậy khi nghe người đẹp nói lên niềm hy vọng "Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”, nghe Kiều gửi gắm sự trông cậy chở che: “Rộng thương cỏ nội hoa hèn - Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau" thì Từ Hải “gật đầu” sung sướng:
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ, cũng là có nhau.
Đó là một lời hứa như dao chém đá của trang anh hùng nghĩa hiệp. Chẳng cần dùng mưu kế như Thúc Sinh “rước về hãy tụm dấu nàng một nơi”, Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, thái độ xử lý rất đàng hoàng: “Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn”. Con người “giang hồ quen thói vẫy vùng", từng “đánh quen trăm trận" ấy lại có một tình yêu rất lãng mạn, Từ Hải là ân nhân của Kiều đã làm thay đổi số phận của một gái thanh lâu:
Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
Qua đoạn thơ Kiều gặp Từ Hải, ta càng thấy rõ nghệ thuật tả người của Nguyễn Du rất đặc sắc, độc đáo. Thi hào đã dành những câu chữ hay nhất, trang trọng nhất để khắc họa tính cách anh hùng phi thường, khát vọng tự do và chất đa tình lãng mạn của nhân vật Từ Hải. Từ giọng điệu đến ngôn từ đều trang trọng, cổ kính: nhân vật lung linh màu sắc huyền thoại sử thi.
Nhân vật Từ Hải tựa như một ánh hào quang chiếu qua một quãng đời ngắn ngủi của Thúy Kiều, nhưng đã để lại trong lòng người bao ấn tượng tốt đẹp. Chân dung anh hùng Từ Hải là một phương diện tuyệt đẹp về cảm hứng nhân văn của Truyện Kiều.
Trích; soanvan.me